Ảnh bìa Báo cáo PTBV của Bảo Việt và Vinamilk - 2 DN có ấn phẩm Báo cáo PTBV độc lập với Báo cáo thường niên và đạt giải cao nhất về báo cáo PTBV

Ảnh bìa Báo cáo PTBV của Bảo Việt và Vinamilk - 2 DN có ấn phẩm Báo cáo PTBV độc lập với Báo cáo thường niên và đạt giải cao nhất về báo cáo PTBV

Tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững

(ĐTCK) Một báo cáo phát triển bền vững là một báo cáo được công bố bởi một công ty hoặc tổ chức về các tác động kinh tế, môi trường và xã hội do các hoạt động hàng ngày của mình. Để phát triển báo cáo bền vững, đa số DN đã sử dụng Hướng dẫn của GRI (Global Reporting Initiative - Sáng kiến Báo cáo toàn cầu) với các tiêu chí rõ ràng về xã hội, môi trường, kinh tế và quản trị tốt.

Hướng dẫn GRI được thành lập ở Boston vào năm 1997 và G4 là phiên bản mới nhất của Hướng dẫn Báo cáo phát triển bền vững GRI (phát hành tháng 5 năm 2013). Cần nhấn mạnh rằng, các hướng dẫn của GRI đã được quốc tế công nhận là tập quán tốt nhất về báo cáo phát triển bền vững.

Hướng dẫn GRI đưa ra bộ nguyên tắc (báo cáo “Thế nào”) và chỉ số hoạt động (báo cáo “Cái gì”) được xây dựng trong vòng hơn 12 năm đối thoại toàn cầu của nhiều bên liên quan. Nguyên tắc của GRI là:

Tính thực chất - báo cáo phải phản ánh được tác động đáng kể về kinh tế, môi trường và xã hội của tổ chức, bao gồm thông tin đủ để ảnh hưởng một cách đáng kể tới quá trình đánh giá và quyết định của các bên liên quan

Tính hội nhập đối với các bên liên quan - báo cáo phải xác định các bên liên quan và lưu hồ sơ về việc DN đáp ứng sự trông đợi và nhu cầu hợp lý của các bên liên quan.

Bối cảnh phát triển bền vững - báo cáo cần mô tả hiệu quả hoạt động của DN trong bối cảnh phát triển bền vững rộng hơn.

Tính đầy đủ - báo cáo phải cung cấp thông tin đủ về các vấn đề và chỉ số cần thiết trong một khuôn khổ phạm vi mà báo cáo xác định sẽ hướng tới.

Bản hướng dẫn lập báo cáo chuẩn của GRI được áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, đối với một số đặc thù, ngoài hướng dẫn chung thì GRI có đưa ra các hướng dẫn bổ sung cho các nhóm ngành sau đây: Dịch vụ tài chính; Xây dựng/bất động sản; Thực phẩm và nông nghiệp; Dầu khí; Dược phẩm.

Dịch vụ tài chính

Phạm vi ngành dịch vụ tài chính bao gồm dịch vụ ngân hàng bán lẻ, dịch vụ ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, quản lý tài sản và bảo hiểm. Các vấn đề sau cần lưu ý:

- Việc tiếp cận dịch vụ tài chính tại những địa bàn khó khăn, ít dân cư sinh sống;

- Các sáng kiến cung cấp dịch vụ tài chính đối với những đối tượng khó khăn (chẳng hạn như các đối tượng bị tàn tật, sức khỏe giảm sút…);

- Công bố các danh mục sản phẩm tương ứng trên danh mục theo vùng, quy mô, ngành; giá trị tiền tệ được thiết kế để cung cấp một lợi ích môi trường, cụ thể theo mục đích;

-  Cách thức và kết quả mà DN cung cấp dịch vụ tài chính kiểm soát các vấn đề về môi trường và xã hội đối với các đơn vị nằm trong danh mục của mình (danh mục đầu tư, cho vay…).

Xây dựng và bất động sản

Ngành xây dựng và bất động sản với các hoạt động kinh doanh bao gồm đầu tư, phát triển, xây dựng, quản lý xây dựng và cơ sở hạ tầng. Các vấn đề sau cần được lưu ý:

-  Các thông tin về năng lượng, nước và chất thải đối với các tòa nhà/công trình được xây dựng;

-  Các thông tin về phát thải khí  nhà kính đối với các tòa nhà/công trình được xây dựng;

-  Các thông tin về đa dạng sinh học đối với các công trình xây dựng có liên quan của tổ chức;

-  Suy thoái đất, ô nhiễm và cải tạo;

-  Các thông tin liên quan đến người lao động như phúc lợi, sức khỏe và an toàn nghề nghiệp, tỷ lệ thương tích, bệnh nghề nghiệp, ngày nghỉ việc, giáo dục và đào tạo;

-  Không phân biệt đối xử;

-  Lao động trẻ em, lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc;

-  Cộng đồng địa phương: số lượng di dời tự nguyện hoặc không tự nguyện và tái định cư.

Thực phẩm và nông nghiệp

Ngành thực phẩm nông nghiệp bao gồm các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, phân phối thực phẩm, các sản phẩm nông nghiệp. Các vấn đề đặc thù như sản phẩm an toàn, tác động và rủi ro biến đổi khí hậu, các hoạt động phát triển nông thôn, chuỗi cung ứng, vấn đề tổn thương hộ sản xuất quy mô nhỏ, sự tham gia hỗ trợ của Chính phủ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, sử dụng tài nguyên…Các vấn đề sau cần được lưu ý:

-  Các phương thức mua sắm/tìm nguồn cung ứng như tỉ lệ phần trăm lượng mua từ các nhà cung cấp, tỷ lệ phần trăm thể tích mua được xác nhận là các tiêu chuẩn sản xuất trách nhiệm, đáng tin cậy, được quốc tế công nhận, theo tiêu chuẩn;

-  Đa dạng sinh học: cơ sở hoạt động được sở hữu, cho thuê, quản trị hoặc gần các khu bảo tồn và các khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao bên ngoài các khu bảo tồn;

-  Lao động: tỷ lệ phần trăm thời gian làm việc mất do tranh chấp công nghiệp, đình công;

-  Thực phẩm chất lượng và giá cả phải chăng (G4-DMA);

-  Quyền lợi động vật: tỷ lệ phần trăm và tổng số động vật được nuôi/chế biến, theo loài và giống loại; các chính sách và thực hành, theo loài và giống loại, liên quan đến thay đổi cơ thể và sử dụng gây mê; tỷ lệ phần trăm và tổng số động vật được nuôi và/hoặc chế biến, theo loài và giống; về chính sách và thực hành về kháng sinh, chống viêm, kích thích hocmon hoặc tăng trưởng, theo loại và giống loại;

-  An toàn và sức khỏe của khách hàng:

-  Tác động đáng kể về sức khỏe và an toàn của sản phẩm và dịch vụ;

-  Tỷ lệ phần trăm lượng sản xuất ở các địa điểm được chứng nhận bởi bên thứ ba độc lập theo tiêu chuẩn hệ thống quản lí an toàn thực phẩm được quốc tế công nhận;

-  Tỷ lệ phần trăm tổng lượng bán sản phẩm tiêu dùng, theo loại sản phẩm, đã đuọc giảm chất béo bão hòa, mỡ, natri và đường;

-  Tỷ lệ phần trăm lượng tổng lượng bán sản phẩm tiêu dùng, theo loại sản phẩm, chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như chất xơ, vitamin, khoáng chất, dưỡng chất từ thực vật hoặc các phụ gia thực phẩm chức năng;

-  Nhãn sản phẩm và dịch vụ.

Dầu khí

Phạm vi ngành dầu khí với các hoạt động thăm dò, khai thác, sản xuất, chế biến, vận chuyển phân phối và tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu. Các vấn đề đặc thù như đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao, quản lý sử dụng đất, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan, quản lý môi trường, các nguồn phát thải carbon thấp, sử dụng nước và hóa chất, an toàn và sức khỏe, an toàn công nghệ… Các vấn đề sau cần được lưu ý:

-  Công bố thông tin về trữ lượng và chủng loại của hàng dự trữ đã được phê duyệt và sản xuất;

-  Tổng số tiền đầu tư vào năng lượng tái tạo;

-  Nước: tổng lượng nước thu về theo nguồn, các nguồn nước bị ảnh hưởng đáng kể từ việc thu nước;

-  Đa dạng sinh học: về số lượng và tỷ lệ phần trăm các địa điểm hoạt động quan trọng mà rủi ro đa dạng sinh học đã được đánh giá và giám sát;

-  Nước thải và chất thải: tổng lượng chất thải theo loại và phương pháp xử lí, tổng số lượng và khối lượng các sự cố tràn đáng kể, lượng và việc xử lý sự thành hình hay nước sản xuất ra, lượng hydrocacbon được bện và thông hơi, lượng khoan thải (bùn và mảnh cắt khoan) và các chiến lược giải quyết đã xử lý;

-  Lao động: sức khỏe và an toàn nghề nghiệp; quyền lợi của người bản địa;

-  Cộng đồng địa phương: cơ sở có tác động tiêu cực thực tế hoặc tiềm ẩn đáng kể đối với cộng đồng địa phương, số lượng và miêu tả các tranh chấp nghiêm trọng với cộng đồng địa phương và người bản địa;

-  Thay thế nhiên liệu hóa thạch: lượng nhiên liệu sinh học được sản xuất và mua đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững.

Dược phẩm

Phạm vi ngành dược phẩm bao gồm các hoạt động nghiên cứu phát triển sản xuất phân phối sản phẩm cũng như thiết bị công nghệ. GRI chưa ban hành chính thức hướng dẫn bổ sung cho ngành này. Các vấn đề sau cầu được lưu ý:

-  Cung ứng nguyên vật liệu: quy trình cung ứng giống, thực vật;

-  Sử dụng nguyên vật liệu sản xuất các sản phẩm nhựa với ảnh hưởng lâu dài đến môi trường;

-  Đa dạng sinh học;

-  Quản lý rác thải sinh học;

-  Sức khỏe và an toàn nghề nghiệp: thông tin an toàn liên quan đến vật liệu nguy hại và quy trình quản lý;

-  Trao đổi, chia sẻ kiến thức, công nghệ và khả năng tiếp cận với thuốc, vấn đề giá và bảo vệ bản quyền;

-  An toàn và sức khỏe của khách hàng:

-  An toàn sản phẩm sử dụng công nghệ sinh học, sử dụng hóa chất tổng hợp và vấn đề an toàn khi sử dụng thuốc, văcxin;

-  Thử nghiệm lâm sàng và công khai minh bạch;

-  Nhãn sản phẩm, hướng dẫn sử dụng phù hợp, thông tin các tác dụng phụ;

-  Quyền riêng tư của khách hàng: hồ sơ dữ liệu;

-  Thu hồi truy suất sản phẩm;

-  Ứng phó tình huống khẩn cấp dịch bệnh. Diệp Thường lược ghi

Tin bài liên quan