Tiêu chí công ty kiểm toán 2012 nên có gì mới?

Tiêu chí công ty kiểm toán 2012 nên có gì mới?

(ĐTCK-online) Theo ông Bùi Văn Mai, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VACPA, Bộ Tài chính và UBCK cần có hướng dẫn rõ ràng về chỉ tiêu vốn đầu tư của chủ sở hữu hay vốn thực tế góp của chủ sở hữu của DN kiểm toán.

UBCK đang tiếp nhận hồ sơ đăng ký công ty kiểm toán (CTKT) chấp thuận năm 2012. Nhân dịp này, ĐTCK đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Văn Mai (ảnh), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) xung quanh vấn đề nâng cao chất lượng BCTC được kiểm toán của công ty niêm yết, tránh các sự kiện tương tự như tại Dược Viễn Đông (DVD).

 

UBCK vừa có thông báo nhận hồ sơ đăng ký CTKT chấp thuận năm 2012. Theo ông, cần có sự thay đổi nào, thêm tiêu chí nào trong việc xét duyệt này nhằm nâng cao chất lượng BCTC kiểm toán của DN niêm yết?

Theo tôi được biết, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 89/2007/QĐ-BTC về quy chế lựa chọn DN kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết hoặc tổ chức kinh doanh chứng khoán. Dù vậy, thông báo nhận hồ sơ đăng ký CTKT được chấp thuận năm 2012 vẫn thực hiện theo Quyết định 89.

Trong khi chờ đợi quyết định mới được ban hành, UBCK cũng nên xử lý ngay một số việc như giảm bớt thủ tục có tính chất hành chính, tăng cường xem xét chỉ tiêu đánh giá năng lực công ty kiểm toán được chấp thuận.

Về thủ tục, theo tôi, không nên yêu cầu CTKT phải lập danh sách kiểm toán viên và số giờ cập nhật kiến thức năm 2011 vì không cần thiết; không nên bắt buộc DN kiểm toán nộp BCTC 9 tháng năm 2011, nộp biên bản thanh lý hợp đồng vì trong Luật Kế toán, Luật Dân sự không có quy định những việc này. Ngược lại, cần có hướng dẫn rõ ràng về chỉ tiêu vốn đầu tư của chủ sở hữu hay vốn thực tế góp của chủ sở hữu của DN kiểm toán.

Về tiêu chí đánh giá năng lực, UBCK nên quy định các CTKT đã được chấp thuận từ năm thứ 2 trở đi phải đáp ứng được điều kiện đã thực hiện kiểm toán BCTC cho từ 5 - 7 khách hàng trong lĩnh vực chứng khoán. Sở dĩ nên quy định điều này vì hiện có khoảng gần 1/3 số CTKT đăng ký danh sách được chấp thuận nhằm "có danh" hơn là để thực sự cung cấp dịch vụ kiểm toán BCTC cho tổ chức niêm yết…

 

Ông có khuyến cáo nào dành cho CTKT tham gia đăng ký lần này?

Các CTKT cần thận trọng khi đăng ký tham gia kiểm toán các tổ chức niêm yết, vì kiểm toán cho DN khu vực này có độ rủi ro cao. Thứ nhất, ký hợp đồng muộn sẽ không tham gia giám sát kiểm kê được, sẽ phải thực hiện thủ tục bổ sung rất phức tạp, mà ngoại trừ hàng tồn kho là rủi ro rất lớn. Thứ hai, phí kiểm toán BCTC tổ chức niêm yết hiện tại vẫn rất thấp (khoảng 40 - 50 triệu đồng cho một khách hàng đơn lẻ), không đủ để thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán. Thứ ba, từ năm 2012, Luật Kiểm toán độc lập bắt đầu có hiệu lực, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực kiểm toán được ban hành có mức xử phạt khá nặng đối với mỗi hành vi vi phạm, đặc biệt đối với vi phạm trong kiểm toán BCTC tổ chức niêm yết.

Từ năm 2010, VACPA đã có bước cải tiến lớn trong quy trình kiểm tra, đó là thực hiện chấm điểm kiểm tra các thủ tục kiểm toán. Bằng cách chấm điểm, VACPA đã lượng hóa được các nhận xét, đánh giá, có cơ sở so sánh, bảo đảm công bằng, bình đẳng… Các cuộc kiểm toán đạt từ 80 điểm trở lên (tính trên 100 điểm chuẩn) được coi là chất lượng tốt; có điểm từ 60 điểm đến dưới 80 điểm được coi là đạt yêu cầu; có dưới 60 điểm là chưa đạt, trong đó, nếu dưới 40 điểm là yếu, kém sẽ được kiểm tra tiếp vào năm sau).

Nếu CTKT được chấp thuận, cần mạnh dạn tính mức phí đủ để thực hiện đầy đủ, triệt để các thủ tục kiểm toán quy định, cần mạnh dạn hơn trong việc đưa ra các điểm ngoại trừ khi không có đủ bằng chứng kiểm toán.

 

Sau sự kiện đổ vỡ của DVD, nhà đầu tư tỏ ra mất niềm tin vào BCTC đã được kiểm toán cũng như CTKT. Ông có bình luận gì về việc này?

Hiện tại, có thể đang có nhiều trường hợp tương tự DVD nhưng chưa lộ ra. Trong mọi sai sót có liên quan đến BCTC, thì trách nhiệm trước hết và lớn nhất thuộc DN, vì chỉ có DN mới hiểu hết, hiểu đúng về mình. Kiểm toán viên chỉ có trách nhiệm liên đới nếu trong Báo cáo kiểm toán chưa cảnh báo đầy đủ về các thông tin tài chính chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa phù hợp với chuẩn mực chuyên môn, hoặc kiểm toán viên chưa thực hiện đầy đủ thủ tục kiểm toán quy định nên chưa thu thập đủ bằng chứng kiểm toán cho ý kiến của mình… Để có thể xác định rõ trách nhiệm của CTKT, cần có cuộc kiểm tra chuyên đề do cơ quan chức năng thực hiện.

 

Vậy để ngăn ngừa những trường hợp kiểm toán không cảnh báo đầy đủ những rủi ro như DVD, phía hội nghề nghiệp đã có biện pháp gì ?

Hàng năm, VACPA phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức các đợt kiểm tra chất lượng dịch vụ và hoạt động của một số CTKT. Năm 2011, theo kế hoạch được Bộ Tài chính phê duyệt, trong tháng 10 này, VACPA tổ chức kiểm tra 30 CTKT tại Hà Nội, TP. HCM và Vũng Tàu, Thanh Hóa.

Cuộc kiểm tra năm 2011 có sự khác biệt ở chỗ, theo yêu cầu của Bộ Tài chính (UBCK), trong số 30 công ty được kiểm tra, sẽ có 11 công ty thuộc diện đủ điều kiện kiểm toán công ty niêm yết. Đặc biệt, Bộ Tài chính trực tiếp yêu cầu kiểm tra chất lượng dịch vụ của Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn A&C và Công ty TNHH  E &Y Việt Nam, 2 công ty đã từng kiểm toán DVD.