Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tiết lộ "động trời" của một cò đất

Đất dự án và biệt thự tại Hà Nội đang hình thành một cơn bão ngầm, tác động không nhỏ đến thị trường và vấn đề quản lý xã hội.

Trong số các "cò" đất tại Hà Nội, cò đất dự án và biệt thự (biệt thự cũ có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc) làm ăn khá tốt, bởi 2 thị trường này đang trong lúc tranh tối tranh sáng. Câu chuyện từ những cò đất này đã phản ánh hậu trường của các dự án tưởng chừng đang bất động. Nó cũng lý giải một phần vì sao giá đất tại Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội, quá cao, khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng ra và các di sản kiến trúc đang có nguy cơ bị mai một.

 

Từ buôn đất dự án

 

Chuyển nhượng dự án bất động sản là hoạt động hợp pháp, nhưng đáng lo ngại là sự tồn tại của tình trạng buôn đất dự án ngầm, đẩy giá đất Hà Nội lên rất cao nhằm làm đầy túi tiền của một số nhóm lợi ích.

 

Tôi được người quen giới thiệu với những dân buôn dự án (còn gọi là cò bên bán). Biết tôi là "cò tìm mua" (phóng viên đóng vai) có nhu cầu giới thiệu người mua đất xây chung cư, nhóm người này hứa hẹn, tôi sẽ được 0,5% hoa hồng nếu giao dịch thành công. Mảnh đất mà họ chào có diện tích gần 4.000 m2, người bán ra giá 170 tỷ đồng (giá chưa thương lượng).

 

Đọc hồ sơ, tôi nhận ra đây vốn là đất công. Nguyên gốc là một cơ quan nhà nước được giao đất (trong 50 năm) để xây trụ sở 12 tầng, nhưng sau đó, họ chuyển nhượng cho một chủ đầu tư dự án, rồi chủ đầu tư này lại bán cho công ty khác. Công ty hiện sở hữu khu đất này từng có một bản kế hoạch chi tiết về việc chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, với chiều cao dự kiến trên 30 tầng, chưa kể tầng hầm. Tuy nhiên, tất cả chỉ nằm trên giấy, bởi mục đích cuối cùng của họ vẫn là chuyển nhượng bất động sản kiếm lời.

 

Là cò đất, tôi cân nhắc 2 việc. Thứ nhất, giá có giảm được không, bởi nếu giá quá cao, khách hàng bên mua của tôi sẽ chê đắt. Thứ 2, có "gửi giá" (chỉ việc những người có quyền bán đã kê giá lên để kiếm lời) được không. Điều này còn tùy vào quan hệ và khả năng thuyết phục bên bán, vì lỡ khách hàng bên mua biết thì coi như chuyện sẽ đổ bể.

 

Nhiệm vụ của tôi lúc này là phải hạ giá xuống. Mức hoa hồng 0,5% mà nhóm buôn dự án hứa hẹn là khá cao, bởi theo luật của giới buôn bất động sản, những dự án lớn như thế thông thường có phí lót tay chỉ khoảng 0,3%.

 

Ví dụ, mảnh đất có giá 170 tỷ đồng, nếu giỏi, tôi có thể thuyết phục bên bán hạ giá 165 tỷ đồng, nhưng lại báo giá với bên mua là 175 tỷ đồng. Vấn đề ở chỗ các mắt xích phải phối hợp với nhau nhịp nhàng và ăn khớp. Như vậy, tôi sẽ nói với bên mua là đã thuyết phục được bên bán "ra lộc" (tiếng lóng của dân buôn dự án, tức giảm giá bán) 5 tỷ đồng, chỉ còn 170 tỷ đồng. Bên mua, nếu đồng ý, sẽ trả bên bán 170 tỷ đồng.

 

Sau khi xong việc, bên bán sẽ chi lại cho tôi và những người trung gian khác trong cùng đường dây là 5 tỷ đồng. Bên bán không lo bị thiệt, vì giá 165 tỷ đồng họ thu về thực ra là đã có gửi giá. Sau này, một nguồn tin tiết lộ với tôi, giá thực chỉ 150 tỷ đồng. Nghĩa là giữa giá gốc với giá đến tay người mua đã chênh lệch đến 20 tỷ đồng.

 

Rõ ràng, những tay buôn dự án tuy chỉ là cò đất, nhưng lại có thể định đoạt sự thành bại của một dự án lên tới hàng trăm tỷ đồng. Điều đáng nói là những cò này vẫn tiếp tục kiếm lời từ dự án đó vì nó sẽ lại được rao bán, ngay sau khi được mua.

 

Đa số đất dự án là đất công, khá nhiều và được sang tay bởi bộ máy chuyển nhượng dự án như đã nói ở trên. Thứ hàng hóa đặc biệt này đang trở thành tài sản siêu lợi nhuận, làm giàu cho các nhóm lợi ích. Họ sang tay nhau nhanh như mua bán một chiếc xe máy, vì đã có hẳn một thị trường chuyển nhượng phi chính thức được hình thành và hoạt động rất bài bản.

 

Lần khác, trong vai cò bên bán, với nguồn hàng là 4 dự án, tất cả đều là đất sạch, giấy tờ đầy đủ, tôi đi tìm khách mua. Qua một cò khác, tôi được giới thiệu với nữ giám đốc một doanh nghiệp lớn ở Quảng Ninh, làm trong ngành khoáng sản và vận tải. Vị giám đốc này muốn đầu tư xây dựng một khu căn hộ cho người nước ngoài thuê.

 

Miếng đất phù hợp với yêu cầu của bà: hơn 2.000 m2, ở khu Mỹ Đình, phía Tây Hà Nội, một trong những khu vực phát triển nhanh nhất Thủ đô. Giá người bán đưa ra là 120 tỷ đồng và bà đồng ý với mức giá này.

 

Nhưng đến đây lại nảy sinh 2 vấn đề. Thứ nhất, mảnh đất được cấp giấy phép xây dựng khu căn hộ sở hữu vĩnh viễn và văn phòng cho thuê 23 tầng, trong khi mục đích của bà là xây căn hộ cho thuê. Như vậy, sẽ phải điều chỉnh lại giấy phép. Nghĩa là sẽ mất thêm thời gian và chi phí làm thủ tục.

 

Thứ 2, bên bán yêu cầu trong 120 tỷ đồng này, chỉ 70 tỷ đồng được hạch toán vào sổ sách, 50 tỷ đồng còn lại không có hóa đơn. Phần ngoài hóa đơn này sẽ được dùng để bôi trơn các mối quan hệ cần thiết.

 

Chủ sở hữu khu đất bảo tôi nói với vị nữ giám đốc trên là có bên thứ 3 lo chuyện hợp thức hóa khoản tiền ngoài sổ sách kia. Cụ thể là sẽ có một công ty tư vấn (được dựng lên) làm hợp đồng tư vấn dự án, ghi giá trị trên hợp đồng là 50 tỷ đồng. Họ cũng nhận làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng, nếu bên mua yêu cầu.

 

Không phải dự án chuyển nhượng bất động sản nào cũng thành công. Dự án này cũng vậy. Bà giám đốc đã biến mất sau một thời gian đàm phán. Có thể là do công ty bà gặp khó khăn về vốn hoặc một lý do nào khác.

 

Tuy nhiên, không vì thế mà dự án trên bị đình trệ. Chỉ ít lâu sau, có người giới thiệu với tôi một khách hàng tiềm năng khác từ TP. HCM. Người này cho biết, dân buôn địa ốc từ Thành phố đang đổ ra Thủ đô tìm mua dự án, vì lợi nhuận ở thị trường Hà Nội quá lớn, mặc dù giá đất cao hơn nhiều so với ở TP. HCM. "Mua được dự án thì coi như có lãi ngay rồi", vị này cho biết.

 

Một nguồn tin trong giới bất động sản ở Hà Nội nhận định, mặc dù thị trường đất dự án Hà Nội có vẻ như đang chững lại, nhưng đến quý II, III năm nay, nhiều chủ đất sẽ bung hàng. Lý do là họ không chịu nổi áp lực lãi suất ngân hàng hoặc sắp đến hạn trả nợ vay mà vẫn không bán được đất.

 

Thời gian qua, có một số đại gia chỉ mua vào (đất dự án) mà không bán ra. Đây là những người trường vốn, không cần vay ngân hàng, lại có nguồn hỗ trợ tài chính từ nước ngoài. Họ cũng sẽ chọn lúc cầu tăng cao, cung ít hơn (chủ yếu do một số chủ đất găm giữ hàng) để đẩy hàng đi nhằm kiếm lời.

 

"Giao dịch sẽ sôi động trở lại, chủ yếu ở mảng đất dự án, vì miếng bánh này còn rất hấp dẫn. Và giá sẽ bị giới đầu cơ đẩy lên", nguồn tin này nói.

 

Theo Giáo sư Kenichi Ohno, Đồng Giám đốc Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF), nguyên nhân chính gây nên bất bình đẳng xã hội ở Việt Nam là bất bình đẳng về tài sản, liên quan đến thị trường địa ốc ở các đô thị lớn. Theo ông, nhờ tiếp cận nguồn tin qua những mối quan hệ ngầm, các nhóm lợi ích có thể kiếm lời nhanh chóng từ việc buôn bán đất đai.

 

"Thật kinh ngạc khi thấy giá bất động sản tại Hà Nội tương đương với giá tại Tokyo, trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 2,8% của Nhật. Đầu cơ tài sản, trong đó có tài sản đất đai, là động lực chính tạo ra sức mua ở Việt Nam chứ không phải lợi nhuận của doanh nghiệp hay thu nhập của người lao động", ông Kenichi nhận xét.

 

... Đến buôn biệt thự cũ

 

Không chỉ buôn đất dự án, trong những năm gần đây, cũng tại Hà Nội, đã xuất hiện một số nhóm người chuyên mua biệt thự cũ, chủ yếu là các biệt thự xung quanh khu vực trung tâm thành phố. Đây là những biệt thự được xây dựng từ thời Pháp với kiến trúc thuộc địa, được xếp vào biệt thự loại 2 theo quy định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội (tức là biệt thự cũ, được phép cơi nới, phá dỡ).

 

Được giới thạo tin cho biết, chủ nhân căn biệt thự tại địa chỉ X, trên phố T, quận Hoàn Kiếm có ý định bán, tôi đã đến gặp để tìm hiểu. Không như giao dịch nhà đất bình thường, việc mua bán biệt thự cũ diễn ra khá âm thầm. Không có thông tin chính thức về căn biệt thự này được công bố hay rao bán từ các trung tâm môi giới hoặc trên mạng. Việc tìm khách mua được chủ nhà giao cho một số cò biệt thự đáng tin cậy, bởi ông là người có vai vế, rất ngại lộ diện.

 

Biệt thự X là 1 trong 2 căn biệt thự vị này đang sở hữu. Căn này có diện tích gần 800 m2, trong khi căn kia lớn hơn, khoảng 1.000 m2. Cả 2 cùng nằm trên con phố T. Sau khi tiếp xúc với một cò biệt thự được giao bán 1 trong 2 căn trên, tôi đã biết được một số thông tin khá thú vị.

 

Theo lời anh ta, hiện nay, chủ nhân căn biệt thự cần tiền mua một lô đất lớn ở phía Tây Hà Nội nên phải bán 1 trong 2 căn. Sau khi dẫn tôi đến tận nơi xem vị trí các biệt thự, anh ta bắt đầu nói giá. Hai căn có giá gần 400 triệu đồng/m2. Nghĩa là giá bán biệt thự lên tới vài trăm tỷ đồng.

 

Một cò biệt thự khác tên Hoa cho biết, có 2 nhóm đại gia bất động sản đang nhờ cô tìm mối quen để mua lại các căn biệt thự cũ. Nhóm thứ nhất là người Việt Nam , thích sở hữu loại biệt thự có diện tích khoảng 800-1.000 m2. Nhóm thứ 2 là những nhà đầu tư nước ngoài, mua để xây dựng căn hộ cho thuê. Cả 2 nhóm này đều yêu cầu Hoa tìm những biệt thự thuộc khu vực trung tâm, không quá gần hồ Hoàn Kiếm nhưng cũng không quá xa.

 

Lý do là quận Hoàn Kiếm là khu vực rất khó xây công trình cao tầng, thủ tục xin cấp phép xây dựng không dễ dàng. Theo quy định, chiều cao tối đa của các công trình mới ở quận Hoàn Kiếm không được vượt quá 9 tầng. Trên thực tế, vị trí công trình càng gần trung tâm (tức khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm), chiều cao càng bị giới hạn. Vì thế, đã có nhiều biệt thự cũ được phá đi để xây văn phòng cho thuê với chiều cao trên 9 tầng, nhưng sau đó đều bị buộc phải ngừng thi công (cho dù chủ nhân mới của chúng đều là những người có "khả năng" xin giấy phép).

 

Hãy thử làm một phép tính, với số vốn bỏ ra khoảng 300 tỷ đồng, nếu xây thấp tầng theo quy định, nhà đầu tư sẽ không có lời. Giá cho thuê văn phòng hay căn hộ hạng A tại Hà Nội không thể vượt quá 60 USD/m2. Trong khi đó, nếu lấy diện tích sàn cho thuê nhân với giá cho thuê (chiều cao 9 tầng, mật độ xây dựng khoảng 40% và diện tích đất 800-1.000 m2), có thể thấy, giá cho thuê vẫn còn quá thấp so với số vốn bỏ ra. Đó là chưa kể đến chi phí xây dựng, tiền lo thủ tục, giấy phép, phí quản lý tòa nhà. Hoa cho biết, công trình phải cao từ 15 tầng trở lên thì nhà đầu tư mới có lời. Dĩ nhiên, xây càng cao càng tốt.

 

Một căn biệt thự khác, nằm ngay mặt tiền con phố gần hồ Thiền Quang, cũng được chủ nhân bán lại cho một nhóm nhà đầu tư cá nhân. Hoa cho tôi biết những người này nắm trong tay hàng ngàn tỷ đồng. Vào giữa năm 2010, họ từng hùn vốn mua một biệt thự gần 800 m2 với giá 400 triệu đồng/m2 (tổng số tiền bỏ ra là 320 tỷ đồng). Tuy nhiên, cho đến nay, căn biệt thự này chỉ mới được rào lại xung quanh bởi hàng tôn rất lớn.

 

Nhóm này đang muốn bán lại căn biệt thự để lấy vốn đầu tư vào nơi khác nhưng chưa tìm được người mua. Ban đầu khi mua căn biệt thự này, họ có ý định xây nhà cao tầng. Tuy nhiên, họ không gặp may bởi người có thể lo được giấy phép xây cao tầng bị chuyển công tác. Hơn nữa, cuối năm 2010 và đầu năm 2011 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Thành phố nên hầu hết các hồ sơ xin phép xây nhà cao tầng ở trung tâm đều nằm trên bàn giấy.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng tại quận Hoàn Kiếm, có không dưới 10 căn biệt thự cũ từ thời Pháp đã được phá dỡ nhưng đất còn bỏ hoang. Những biệt thự có tuổi đời từ vài chục cho đến cả trăm năm, mang dấu ấn lịch sử, kiến trúc, văn hóa của nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm của Hà Nội giờ chỉ là những bãi đất trống.

 

Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính từng nói, nếu không có sự kiên quyết và một tình yêu sâu nặng với di sản kiến trúc cũ thì chỉ vài năm nữa, tất cả những biệt thự thời Pháp sẽ biến mất. Thay vào đó là những tòa nhà cao tầng hiện đại. Điều đó cũng có nghĩa, những dấu ấn lịch sử làm nên những con phố Tây đẹp đẽ của Hà Nội có thể bị xóa sổ.