Tiết kiệm và điều chỉnh sản xuất góp phần đủ điện trong cao điểm nắng nóng

0:00 / 0:00
0:00
Đồng hành với ngành điện để thực hiện chương trình sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả đã được nhiều lãnh đạo địa phương và các doanh nghiệp dùng điện lớn cam kết, nhất là khi nhu cầu điện tăng mạnh mà nguồn cung hạn chế.
Tiết kiệm và điều chỉnh sản xuất góp phần đủ điện trong cao điểm nắng nóng

Ngành điện bắt tay với chính quyền và doanh nghiệp tiết kiệm điện

Tại hội nghị khách hàng năm 2024 của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) với sự tham gia của khoảng 4.000 doanh nghiệp và lãnh đạo của 27 tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc tại 27 điểm cầu, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đã đề nghị các khách hàng sử dụng điện phối hợp chặt chẽ với ngành điện lên kế hoạch sản xuất - kinh doanh phù hợp với nhu cầu và hạn chế sản xuất và thời điểm cao điểm của hệ thống điện.

Cùng đó, thực hiện dịch chuyển phụ tải điện ra khỏi giờ cao điểm trong các tháng nắng nóng hoặc bố trí chuyển một phần kế hoạch sản xuất trong các tháng nắng nóng sang các tháng còn lại trong năm và xem xét hỗ trợ các nguồn điện máy phát tự dùng khi cần thiết vào các giờ cao điểm và tại các thời điểm thực hiện điều chỉnh phụ tải…

Đề nghị này cũng xuất phát từ thực tế ngành điện vài năm gần đây đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo cung ứng điện phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân.

Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn (thứ 4 từ phải sang) và Tổng giám đốc EVNNPC Nguyễn Đức Thiện (thứ 5 từ trái sang) trao khen thưởng các khách hàng tiêu biểu trong công tác điều chỉnh phụ tải (DR) và tiết kiệm điện năm 2023

Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn (thứ 4 từ phải sang) và Tổng giám đốc EVNNPC Nguyễn Đức Thiện (thứ 5 từ trái sang) trao khen thưởng các khách hàng tiêu biểu trong công tác điều chỉnh phụ tải (DR) và tiết kiệm điện năm 2023

Chia sẻ thách thức này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng nhu cầu điện năng toàn quốc bình quân là 11,5%.

Trong đó, khu vực phía Bắc có tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm khoảng 10%. Đa phần đều tăng trưởng với 2 con số, đặc biệt một số tỉnh có mức tăng trưởng điện năng cao tới trên 20% là Quảng Ninh (28,59%) và Hà Tĩnh (23,33%)… Điều này tạo áp lực rất lớn đến việc cung ứng điện, đặc biệt vào khung giờ cao điểm.

Chia sẻ những nỗ lực của ngành điện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Mai Xuân Liêm cũng nhận xét, những năm gần đây, kinh tế tỉnh Thanh Hóa luôn đạt mức tăng trưởng cao; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thanh Hóa (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 9,6%, đứng thứ 5 cả nước và có quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

Để có được thành quả này, tỉnh Thanh Hoá đánh giá cao vai trò và đóng góp quan trọng của EVN, EVNNPC và PC Thanh Hoá trong việc đầu tư, hoàn thiện hạ tầng lưới điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân với gần 1.800 km đường dây điện cao thế; gần 7.300 km đường dây điện trung thế, gần 15.300 km đường dây điện hạ thế.

“Tỉnh luôn nhận thức rõ và chia sẻ những khó khăn, áp lực với ngành điện trong việc đầu tư hệ thống nguồn và lưới điện cũng như quá trình quản lý vận hành, nhất là trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước ngày càng cạn kiệt, biến đổi khí hậu ngày càng có tác động nặng nề đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế xã hội”, ông Liêm nói và “cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nói chung và chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải nói riêng.

Đồng thời, kêu gọi cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tích cực tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải mà ngành Điện đang triển khai vì lợi ích của chính các doanh nghiệp, của ngành điện và của cả đất nước.

Dùng tới 832 triệu kWh năm 2023, ông Trịnh Thế Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn cho biết, là doanh nghiệp sản xuất thép, có lượng điện tiêu thụ lớn nên VAS Nghi Sơn thấu hiểu tầm quan trọng của điện trong sản xuất.

Những năm qua, công ty luôn phối hợp tốt với Công ty Điện lực Thanh Hoá, EVNNPC và ngành điện thực hiện tiết kiệm điện cũng như tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải (DR), có những thời điểm tiết giảm đến 60 MW, tương ứng 40% tổng công suất sử dụng của công ty. Trong thời gian tới, VAS Nghi Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện và đồng hành cùng ngành điện trong chương trình điều chỉnh phụ tải.

Còn ông Trần Nhật Linh, Phó tổng Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền Phong cũng cho biết, sản lượng điện tiêu thụ hàng tháng từ 3,6 - 4 triệu kWh. Cùng với việc điều chỉnh dưới sự hướng dẫn của Công ty Điện lực Hải Phòng, Điện lực Dương Kinh, công ty đã tăng cường việc sản xuất vào các giờ không phải là giờ cao điểm để vừa hỗ trợ cho ngành điện trong quá trình điều chỉnh phụ tải đồng thời tiết giảm được tiền điện cho công ty.

Vẫn tiếp tục phải tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải

Tại cuộc gặp mặt khách hàng diễn ra ngay trước thềm cao điểm nắng nóng năm 2024 ở miền Bắc, ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng giám đốc EVNNPC cũng gửi lời cảm ơn đến hơn 11 triệu khách hàng đã đồng hành, chung tay cùng với ngành điện thực hiện, triển khai các giải pháp tiết kiệm điện, tham gia điều chỉnh phụ tải.

Tổng giám đốc EVNNPC gửi lời cám ơn và mong khách hàng tiếp tục đồng hành cùng ngành điện trong tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải

Tổng giám đốc EVNNPC gửi lời cám ơn và mong khách hàng tiếp tục đồng hành cùng ngành điện trong tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải

Tổng giám đốc EVNNPC cũng mong khách hàng tiếp tục đồng hành cùng với ngành điện trong triển khai các giải pháp thực hiện tiết kiệm điện, tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải.

Cũng tính đến hết năm 2023, toàn tổng công ty đã ký biên bản thỏa thuận tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) với 3.906 khách hàng sử dụng điện từ 1 triệu kWh/trở lên, đạt tỷ lệ 97,82%.

Đặc biệt, trong cao điểm mùa nắng nóng tháng 5, tháng 6, đã có 19.113 lượt khách hàng tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải, với tổng công suất tiết giảm được 6.254 MW, tổng sản lượng tiết giảm 49.689 MWh. Trong đó phải kể đến các khách hàng lớn đã tham gia DR rất tích cực như: Công ty Thép Hòa Phát (Hưng Yên), Công ty Nhựa Tiền Phong (Hải Phòng), Công ty Thép Sengli (Thái Bình), Công ty Xi măng Long Sơn (Thanh Hóa), Công ty Xi măng Thành Thắng (Hà Nam)…

Điều này một mặt hỗ trợ ngành điện trong việc giảm áp lực cung cấp điện trong các giờ cao điểm, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho khách hàng (tránh bị sự cố, quá tải), mặt khác giúp khách hàng sử dụng điện hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí đầu vào, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu chung của cả nước về giảm khí phát thải.

Đối mặt với cao điểm nắng nóng đang cận kề Tổng giám đốc EVNNPC cũng yêu cầu các công ty điện lực chủ động làm việc với các khách hàng về kế hoạch sản xuất của khách hàng để tiến hành điều chỉnh phụ tải cụ thể trên nguyên tắc công bằng và minh bạch để đảm bảo hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của việc điều chỉnh phụ tải tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong mùa nắng nóng 2024.

Đồng thời đề nghị khách hàng chủ động bố trí hợp lý sản xuất, tránh sản xuất vào các giờ cao điểm, đặc biệt là các phụ tải tiêu thụ công suất lớn của các ngành sản xuất thép, xi măng, luyện quặng, sản xuất vật liệu xây dựng.

EVNNPC cũng đề nghị khi hệ thống thiếu nguồn cục bộ, các khách hàng có máy phát tiến hành sử dụng máy phát tạm thời cho sản xuất kinh doanh của mình hoặc cho Tổng công ty mượn máy phát để vận hành tăng cường nguồn cho hệ thống điện khi quá tải cục bộ hệ thống điện.

Tin bài liên quan