Tiết kiệm cạnh tranh gay gắt với trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Trong khi lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm, ngân hàng giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, thì lãi suất trái phiếu doanh nghiệp vẫn duy trì mức cao.
Lãi suất tiết kiệm đi xuống trước bối cảnh giá vàng “dậy sóng” gần đây đã khiến không ít người phải suy nghĩ.

Lãi suất tiết kiệm đi xuống trước bối cảnh giá vàng “dậy sóng” gần đây đã khiến không ít người phải suy nghĩ.

Trái phiếu doanh nghiệp được chọn vì lãi suất cao

Mặc dù mục đích của tiết kiệm và trái phiếu doanh nghiệp khác nhau, song giống nhau ở một điểm là khách hàng muốn được hưởng lợi tức cao, nhất là trong bối cảnh Covid-19. Vì thế, sau những lời chào mời của nhân viên ngân hàng, không ít khách hàng đã chọn mua trái phiếu doanh nghiệp hoặc chứng chỉ quỹ được phát hành qua nhà băng.

Tại VietA Bank, nhân viên giao dịch quầy cho biết, lãi suất tiền gửi cao nhất đang được nhà băng này áp dụng là 7,9%/năm cho kỳ hạn 13 tháng qua hình thức tiền gửi online. Nếu gửi tại quầy, lãi suất cao nhất là 6,6%/năm cho kỳ hạn trên 13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.

Tuy nhiên, nếu khách hàng chọn đầu tư trái phiếu của SAM Holdings (HOSE: SAM) được VietA Bank phân phối, thì lãi suất lên đến 9,03%/năm cho kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng và 10,45%/năm cho kỳ hạn từ 12 đến 24 tháng. Khách hàng mua trái phiếu SAM Holdings do VietA Bank phân phối phải có tối thiểu 1 tỷ đồng. Tuy mệnh giá cao, song nhân viên của VietA Bank cho biết, chỉ trong 1 ngày đầu giới thiệu, đã huy động được 100 tỷ đồng và hiện chỉ còn sản phẩm trái phiếu có mệnh giá 3 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12-24 tháng.

SAM Holdings vừa thông báo kế hoạch phát hành tiếp trái phiếu, tổng giá trị 300 tỷ đồng, để bổ sung nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh. Thời gian dự kiến là trong tháng 8-9/2020. Trái phiếu có kỳ hạn dự kiến là 24 tháng, lãi suất đến 11%/năm. Phương thức thanh toán lãi là 6 tháng/lần và gốc sẽ trả khi đáo hạn. Đây là trái phiếu không chuyển đổi có tài sản đảm bảo.

Thực tế cho thấy, việc phát hành trái phiếu huy động vốn lãi suất cao của doanh nghiệp đang ngày càng nở rộ. Báo cáo tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng đầu năm nay của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp lên đến 179.500 tỷ đồng, với kỳ hạn phát hành bình quân 3,97 năm.

Trong đó, chỉ riêng tháng 7/2020, giá trị phát hành của tổ chức tín dụng là 8.134,9 tỷ đồng, chiếm 40,79%; các doanh nghiệp bất động sản là 6.993,9 tỷ đồng, chiếm 35,07%. Giao dịch qua các đại lý (công ty chứng khoán, ngân hàng) vẫn chiếm đa số. Không chỉ làm trung gian phân phối, các quỹ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp gia tăng đáng kể số mở mới và cả tài sản quản lý.

Tiết kiệm có bị lép vế?

Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm có xu hướng giảm kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành lần thứ 2 vào đầu tháng 8/2020. Hiện lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng được các ngân hàng áp dụng phổ biến ở mức 3,5 - 4,25%/năm; lãi suất 6 - 12 tháng khoảng 5-6%/năm và trên 12 tháng ở mức 6-7%/năm. Ở khối ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước, lãi suất tiền gửi còn thấp hơn.

Lãi suất tiết kiệm đi xuống trước bối cảnh giá vàng “dậy sóng” gần đây đã khiến không ít người phải suy nghĩ. Tuy huy động vốn của ngành ngân hàng vẫn tăng trong 7 tháng đầu năm nay (tính đến ngày 28/7/2020, huy động vốn toàn ngành ngân hàng tăng 5,31%, tín dụng tăng 3,45% so với cuối năm 2019, còn cùng kỳ tăng 7,13%), song ngân hàng cũng đang chịu áp lực trong thu hút tiền gửi.

Đó cũng chính là lý do các nhà băng đua phát hành trái phiếu thời gian gần đây, trong khi thanh khoản được cho là đang dôi dư để mua lại trái phiếu trước hạn đã phát hành trước đây.

HDBank vừa phát hành 15 triệu trái phiếu, với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng. Lãi suất trái phiếu cố định 8,5%/năm, được thanh toán hàng năm. Lũy kế từ đầu năm đến nay, HDBank phát hành thành công 8.500 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 5,5-5,93%/năm. Theo kế hoạch năm nay, HDBank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu huy động vốn, đồng thời mua lại 8.520 tỷ đồng trái phiếu.

BIDV có lượng trái phiếu nhiều nhất, với 15.200 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn từ 6 đến 15 năm. Đây là những trái phiếu đủ tiêu chuẩn để tính vào vốn cấp 2 và BIDV đều có quyền mua lại trước hạn sau 1-5 năm, riêng các trái phiếu 15 năm là sau 10 năm kể từ ngày phát hành. Nếu BIDV không thực hiện quyền mua, lãi suất các kỳ sau sẽ bật lên rất cao.

Nếu tính theo kỳ hạn thực hiện quyền mua, số trái phiếu của BIDV phát hành trong 6 tháng đầu năm 2020 có kỳ hạn bình quân chỉ là 2,34 năm. Lãi suất bình quân kỳ đầu tiên 7,45%/năm, cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm gần 2% và lãi suất các kỳ sau cộng thêm biên độ từ 0,6-1,2%/năm. Mới đây, BIDV mua lại toàn bộ 3.500 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn phát hành đợt 1 năm 2015.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, sở dĩ các nhà băng vẫn ưa huy động vốn qua trái phiếu là do tìm kiếm được nguồn vốn dài hạn. Tuy lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm, song ngân hàng có được nguồn vốn ổn định.

Tin bài liên quan