Tại phiên họp toàn thể thứ hai, thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức, chuyên gia Đỗ Văn Sinh, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần tiếp tục mở rộng hơn nữa để huy động quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.
“Ban đầu, Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm quy định dừng nộp quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, nhưng Dự thảo Luật phiên bản mới nhất lại cho rằng tiếp tục nộp Quỹ và mở rộng đối tượng được nhận chi trả từ quỹ: chi trả trực tiếp cho người được bảo hiểm khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản hoặc mất khả năng thanh toán... Tôi nghĩ, vẫn nên nghiên cứu tiếp tục mở rộng hơn nữa để thu quỹ”, ông Sinh đề xuất.
Theo nội dung Tờ trình Quốc hội số 307/TTr-CP, số dư tồn Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm đến thời điểm luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực là khoảng 900 tỷ đồng.
Số tiền kết dư trong quỹ được sử dụng nhằm bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp phá sản hoặc mất khả năng thanh toán; Bộ Tài chính quản lý và sử dụng số dư Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm đảm bảo an toàn, đúng mục đích theo quy định của pháp luật...
Ông Đỗ Văn Sinh đứng phát biểu |
Trước đó, bản Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi phiên bản đầu tiên đưa ra quy định dừng trích nộp quỹ. Cụ thể, từ khi Luật này có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm dừng trích nộp Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm. Nội dung này được bổ sung vào phần điều khoản thi hành (Điều 155) của Dự thảo.
Lý do dừng trích nộp Quỹ là bởi trước đây, khi áp dụng mô hình vốn tối thiểu (mức vốn cố định, không gắn quy mô kinh doanh và rủi ro của doanh nghiệp) và Nhà nước chỉ can thiệp sau khi doanh nghiệp bảo hiểm có vấn đề (mất khả năng thanh toán), cần thiết phải có cơ chế bổ sung để bảo vệ người tham gia bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán, phá sản.
Vì vậy, Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2010 có yêu cầu đóng góp thành lập Quỹ bảo vệ người tham gia bảo hiểm. Tại thời điểm đó, Ban soạn thảo có tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia liên quan đến một loạt doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm Hoa kỳ bị phá sản do sự kiện khủng bố 11/9/2001.
Sau 11 năm, quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng. Hiện tại, chỉ có 1 doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính (VASS) nhưng đây lại là doanh nghiệp bảo hiểm nợ khoản đóng góp hàng năm từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, sau đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban kinh tế lại đề nghị làm rõ hơn lý do đưa ra quy định không tiếp tục trích quỹ này; việc quản lý, sử dụng quỹ sau khi Luật này có hiệu lực; cân nhắc kỹ về việc trích lập hay dừng trích lập quỹ. Trường hợp dừng trích lập quỹ thì khi phát sinh doanh nghiệp bảo hiểm lâm vào tình trạng phá sản hoặc mất khả năng thanh toán vẫn cần có công cụ để bảo đảm quyền lợi cho người được bảo hiểm.
Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban kinh tế và các ý kiến tại cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã tiếp tục thu nộp Quỹ bảo vệ người tham gia bảo hiểm.
Cụ thể, mục tiêu bao trùm của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm vẫn là bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản hoặc mất khả năng thanh toán. Nhưng đối tượng được nhận chi trả từ quỹ được mở rộng.
Đó là, chi trả trực tiếp cho người được bảo hiểm khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản hoặc mất khả năng thanh toán và chi bù đắp cho doanh nghiệp bảo hiểm được chỉ định nhận chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm từ các doanh nghiệp bảo hiểm phá sản hoặc mất khả năng thanh toán nhằm bảo đảm bù đắp thiếu hụt giữa tài sản và trách nhiệm bảo hiểm, cũng như thiếu hụt các khoản dự phòng nghiệp vụ tương ứng. Qua đó, cũng gián tiếp bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm thuộc danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao.
Đồng thời, giao Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết về phương án xây dựng tổ chức cơ quan quản lý Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm độc lập với cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm (Bộ Tài chính), cơ chế sử dụng Quỹ này.