Nhìn lại tuần trước, thời điểm trước khi Ngân hàng Nhà nước có động thái này, tỷ giá trên thị trường giảm khá mạnh. Nếu như thời điểm đầu tuần, giá bán ra USD tại các ngân hàng vào khoảng 21.310 - 21.330 VND/USD thì đến cuối tuần đã giảm xuống còn 21.200 - 21.230 đồng/USD, có nghĩa đã giảm khoảng 100 đồng/USD trong tuần qua.
Tuy nhiên, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng giá mua vào USD thêm 100 đồng vào ngày 14/7, nhiều ngân hàng đã tăng nhẹ giá mua - bán USD. Theo đó, sáng ngày 15/7, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 21.180 - 21.230 VND/USD, Vietinbank và BIDV niêm yết tỷ giá ở mức 21.170 - 21.230 VND/USD, ACB công bố 21.150 - 21.230 VND/USD. Riêng tại Eximbank niêm yết tỷ giá USD tại 21.150 - 21.230 VND/USD, giảm 10 đồng chiều bán ra so với ngày 14/7 và Techcombank là 21.140 - 21.240 VND/USD, giảm 5 đồng chiều bán ra so với ngày 14/7.
Trao đổi với ĐTCK, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB cho biết, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng giá mua ngay từ ngày đầu tuần nhưng thị trường vẫn “im re” và đến ngày hôm sau (15/7) liên ngân hàng vẫn rất ổn định, giao dịch ở mức 21.195 VND/USD bởi chưa có nhu cầu lớn phát sinh, cung - cầu ngoại tệ trên thị trường khá cân bằng. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm nhích nhẹ lên mức trên 3%/năm càng hỗ trợ tỷ giá vì hầu như không có ngân hàng nào muốn bỏ VND ra đầu cơ trạng thái lúc này.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại tệ HSBC Việt Nam phân tích, câu chuyện ở đây có một chút kỹ thuật là Ngân hàng Nhà nước mua giá t+2, nghĩa là các ngân hàng mua ngoại tệ của khách hàng là giá giao ngay ngày hôm nay rồi sau đó đăng ký bán cho Ngân hàng Nhà nước. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thì phải 2 ngày sau mới thanh toán. Trong những ngày đó, mỗi ngày điểm kỳ hạn (swap point) vào khoảng 1,5 điểm/ngày, sau 3 ngày cộng thêm được 3 - 4 điểm. Cụ thể, ví dụ với mức giá như hôm qua xấp xỉ 21.195 + 4 = 21.199 và nếu bán cho Ngân hàng Nhà nước với mức giá 21.200 thì ngân hàng sẽ lãi được khoảng 1 - 2 điểm.
“Từ đầu tháng 7, cung ngoại tệ trên thị trường khá dồi dào từ các nguồn FDI, FII và ODA, trong khi nhu cầu mua của các DN khá khiêm tốn do hầu hết đã hoàn tất thanh toán vào cuối tháng 6 và cuối quý II. Do đó, tỷ giá đã giảm từ mức 21.300 về dưới 21.200 trong những ngày gần đây. Để hỗ trợ xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mức giá mua vào là 21.200 VND/USD”, ông Ngô Đăng Khoa nhận định.
Ông Đinh Đức Quang cũng chia sẻ thêm, hiện cũng có một số thông tin khả quan đó là tín dụng VND trong những tuần đầu của tháng 7 tăng khá tốt, trong khi tín dụng ngoại tệ lại giảm nhẹ, làm giảm áp lực lên cầu ngoại tệ và tỷ giá. Trạng thái ngoại tệ âm tại nhiều ngân hàng lớn đã giảm mạnh trong vài tuần nay trong khi hiện tại các ngân hàng có xu hướng “yêu” VND, nên nhiều ngân hàng đang cân nhắc có thể bán ngoại tệ âm trạng thái nhiều hơn để lấy VND. Ngoài ra, phần giải ngân từ các nguồn FDI, FII khá đều kèm theo sự kiện IPO của một số DN lớn đang và sắp diễn ra, nên dự báo lượng cung ngoại tệ khá tốt.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, với “bệ đỡ” tốt như vậy nên việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá mua lên cũng là điều dễ hiểu. Nhưng quan trọng hơn là điều này tiếp tục khẳng định quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều chỉnh tỷ giá nhằm góp phần hỗ trợ xuất khẩu, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Trên thực tế, sức cầu của nền kinh tế còn thấp, hoạt động sản xuất - kinh doanh còn khó khăn. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu vẫn đang khả quan, 5 tháng đầu năm xuất khẩu tăng 15,4%, cho nên việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ góp phần tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra”, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước từng chia sẻ sau quyết định điều chỉnh thêm 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước vào cuối tháng 6/2014.