Tiếp tục lấy ý kiến cho Bond Index

Tiếp tục lấy ý kiến cho Bond Index

(ĐTCK) Tuần trước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) lại gửi bản điều tra lấy ý kiến thành viên về Bộ chỉ số trái phiếu chính phủ. Dự kiến khai trương từ năm ngoái, nhưng sản phẩm này đến nay vẫn đang trong các cuộc bàn thảo.

“Thực tế, các cơ quan quản lý rất ủng hộ sản phẩm mới này, theo như tôi cảm nhận”, một thành viên tham gia xây dựng Bộ chỉ số nói. “Tuy nhiên. vẫn còn những vấn đề về mặt kỹ thuật đang được cân nhắc”.

Nhiều thành viên thị trường trái phiếu cho biết, một trong những trở ngại rõ ràng nhất trong việc xây dựng chỉ số trái phiếu là mức độ chuẩn xác thấp của dữ liệu giao dịch của thị trường trái phiếu Việt Nam, do thị trường vẫn còn non trẻ và quy mô còn nhỏ. Thậm chí, số trái phiếu được giao dịch thường xuyên là rất ít, khiến cho việc xây dựng chỉ số dựa trên giá giao dịch trực tiếp trở nên khó thực thi.

Việc giao dịch “không thật” ở Việt Nam diễn ra phổ biến. Tại thị trường hiện nay, rất nhiều giao dịch có bản chất là giao dịch repo (giao dịch mua/bán lại) vẫn đang được thực hiện dưới hình thức hai giao dịch outright (một giao dịch bán và một giao dịch mua lại), do thiếu những cơ chế thích hợp về giao dịch thứ cấp.

“Ở Việt Nam, trong nhiều trường hợp, không thể chắc chắn một giao dịch có phải là giao dịch thật hay không”, một thành viên nói về tình trạng của thị trường. “Trong khi đó, mô hình xây dựng bất kỳ một chỉ số nào của các nước phát triển cũng đều dựa trên giả định rằng, tất cả các thống kê đầu vào đều chính xác”.

Ngược lại, một vài thành viên tham gia vào quá trình xây dựng cho biết, đã có giải pháp giải quyết hợp lý cho các vấn đề này của thị trường Việt Nam, trong đó có phương án xây dựng chỉ số trái phiếu dựa trên những trái phiếu có tính đại diện cao. Cách mô phỏng này được cho là mới gần chính xác nhưng vẫn là cách mô phỏng rất tốt. Tuy nhiên, tất cả những vấn đề này vẫn đang được các bên tham gia xem xét kỹ càng.

“Một điều rất quan trọng là chỉ số phải có độ tin cậy tốt nhất và thể hiện được quan điểm trung lập của đơn vị xây dựng”, một thành viên khác tham gia xây dựng nói.

Nhu cầu có Bộ chỉ số trái phiếu chính phủ là rất rõ ràng, khi mà các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, vẫn đang thiếu một công cụ tham chiếu trung lập và chính thống để đánh giá so sánh mức lợi nhuận của thị trường trái phiếu Việt Nam. Hiện nay, một số quỹ đầu tư trái phiếu cả trong và ngoài nước vẫn đang tự so sánh kết quả hoạt động của quỹ với chỉ số tham chiếu do chính quỹ xây dựng: quỹ VDeF của Dragon Capital tự so sánh kết quả với chỉ số DC liquid bond index, quỹ VFMVFB cũng tự so sánh với chỉ số Bond-Index do VFM thiết lập. “Điều này làm giảm tính thuyết phục trong mắt các nhà đầu tư”, một trong các lãnh đạo quản lý quỹ nói.

Công cụ này được cho là có vai trò quan trọng để giới thiệu thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam ra khối các nhà đầu tư nước ngoài, khi khối nhà đầu tư này cần xem xét những tiêu chí cụ thể nhất để đưa một thị trường vào danh sách cân nhắc đầu tư. Năm 2013, giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tuy có gia tăng mạnh về mặt lượng, đạt 153.428 tỷ đồng (tăng 57% so với năm 2012), nhưng đã giảm nhẹ về tỷ trọng, chỉ chiếm 18,39% (so với mức 22,99% của năm trước đó).

Chính phủ và các thành viên thị trường trái phiếu chính phủ khác cũng cần một công cụ tham chiếu để đánh giá hiệu quả hoạt động phát hành hoặc quản trị danh mục đầu tư trái phiếu của chính mình. Trong dài hạn, Bộ chỉ số còn được kỳ vọng sẽ cung cấp thêm tài sản cơ sở khi Việt Nam phát triển thị trường phái sinh.

Việc xây dựng Bộ chỉ số trái phiếu chính phủ đã được HNX tập trung xúc tiến từ cách đây 1 - 2 năm. Cuối năm 2013, Sở đã dự định khai trương Bộ chỉ số, nhưng kế hoạch này đến nay vẫn đang được bàn thảo.

Tin bài liên quan