Đường vào di tích Côn Sơn đang được mở rộng, nâng cấp. Ảnh: Thành Chung

Đường vào di tích Côn Sơn đang được mở rộng, nâng cấp. Ảnh: Thành Chung

Tiếp tục lan tỏa giá trị khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

0:00 / 0:00
0:00
Theo kế hoạch số 3107/KH-BTC của UBND tỉnh Hải Dương, Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 12/9 đến 22/9/2024 (tức từ ngày 10/8 – 20/8 Âm lịch) với nhiều nghi lễ truyền thống.

Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 được tổ chức nhằm tưởng niệm 724 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; tưởng niệm 582 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi; tôn vinh triều đại nhà Trần trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Lễ hội mở đầu bằng lễ dâng hương và tế Cáo yết ngày 12/9, kết thúc ngày 22/9 với lễ rước bộ, lễ tế và giỗ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Các hoạt động chính của lễ hội diễn ra tập trung từ ngày 18 - 22/9 (tức 16 - 20/8 âm lịch).

Năm nay, Ban tổ chức trưng bày cổ vật với chuyên đề “Di sản văn hóa thời Trần trên đất Hải Dương” vào ngày 19/9 gồm: Trưng bày về di tích, danh thắng, danh nhân thời Trần; cổ vật tiêu biểu thời Trần và những phát hiện khảo cổ học thế kỷ XIII-XIV. Đồng thời, Ban tổ chức cũng sẽ trao giải Cuộc thi “Hướng dẫn viên du lịch tỉnh Hải Dương năm 2024”.

Lễ tưởng niệm 724 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Lễ khai hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 sẽ diễn ra tối 18/9 với chương trình nghệ thuật đặc sắc kết hợp công nghệ hiện đại nhằm quảng bá, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa giá trị di sản văn hóa nổi bật toàn cầu của khu di tích đang trong quá trình Hải Dương cùng Quảng Ninh, Bắc Giang làm hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới trình UNESCO ghi danh.

Lễ rước nước tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2024 (được phục dựng từ năm 2008 và duy trì đến nay) được coi là biểu tượng sức mạnh và gắn kết cộng đồng. Ảnh: CTV

Lễ rước nước tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2024 (được phục dựng từ năm 2008 và duy trì đến nay) được coi là biểu tượng sức mạnh và gắn kết cộng đồng. Ảnh: CTV

Ngay sau lễ tưởng niệm sẽ diễn ra Lễ khai ấn, ban ấn đền Kiếp Bạc, thay vì tổ chức vào đêm khuya như trước đây.

Tại Khu di tích Côn Sơn, trong ngày 18/9 cũng sẽ diễn ra Lễ rước bộ, Lễ tưởng niệm 582 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi; Lễ tế tại đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán.

Tỉnh Hải Dương cũng tổ chức hoạt động trình diễn Nghệ thuật múa Rối nước; Lễ Cầu an và Hội hoa đăng; Liên hoan Diễn xướng hầu Thánh trong ngày 20/9; bế mạc Liên hoan Diễn xướng hầu Thánh ngày 21/9 và tổ chức lễ rước bộ, lễ tế, lễ giỗ Đức Thánh Trần và bế mạc Tuần Văn hóa Du lịch và Xúc tiến Thương mại trong ngày 22/9 với các gian hàng trưng bày sản phẩm du lịch, nông sản đặc trưng, sản vật của địa phương, hiệp hội, làng nghề trong tỉnh và một số tỉnh bạn.

Lễ hội góp phần quảng bá các giá trị di sản văn hóa nổi bật toàn cầu của khu di tích trong quá trình tỉnh Hải Dương cùng với tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang đón các đoàn chuyên gia thẩm định hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.

Mới đây, đoàn chuyên gia Hội đồng Di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS) - tổ chức tư vấn cho UNESCO về di sản thế giới đã đến thẩm định thực địa đối với Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc. Việc thẩm định thực địa lần này rất quan trọng, là cơ sở để UNESCO xem xét và công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc ghi danh Di sản văn hóa thế giới trong Kỳ họp thứ 47 tổ chức vào năm 2025.

Đền Kiếp Bạc là một trong những điểm quan trọng đoàn chuyên gia ICOMOS sẽ khảo sát thực địa mới đây tại Hải Dương. Ảnh: Thành Chung

Đền Kiếp Bạc là một trong những điểm quan trọng đoàn chuyên gia ICOMOS sẽ khảo sát thực địa mới đây tại Hải Dương. Ảnh: Thành Chung

Một hồ sơ di sản chưa có tiền lệ ở Việt Nam, khi mà phạm vi nghiên cứu xây dựng trải rộng ở 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Để được ghi danh, sẽ còn nhiều việc phải làm tiếp theo - sau những đánh giá, khuyến nghị từ đoàn chuyên gia đối với các di tích.

Hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là hồ sơ đầu tiên nằm trên địa bàn 3 tỉnh với 20 điểm, cụm điểm di tích, trong đó có 1 di tích quốc gia, 7 di tích quốc gia đặc biệt.

Việc xây dựng hồ sơ công nhận di sản thế giới cho quần thể di tích được khởi động năm 2013 nhưng sau đó phải tạm dừng để bổ sung, chứng minh các tiêu chí theo yêu cầu của UNESCO, gồm giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực.

Năm 2020, 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương tổ chức 6 hội nghị, hội thảo quốc tế, khai quật khảo cổ tại 9 điểm di tích và triển khai hàng loạt đề tài nghiên cứu nhằm xác định giá trị, bổ sung hồ sơ di sản.

Đầu năm nay, hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được trình lên UNESCO để xét công nhận di sản thế giới. Nếu được công nhận, đây sẽ là di sản thế giới liên tỉnh thứ hai ở Việt Nam sau Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (địa bàn 2 tỉnh Quảng Ninh và TP, Hải Phòng).

Tin bài liên quan