Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược, định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam.
Qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, hiện nay, trên cả nước đã có 395 khu công nghiệp được thành lập (kể cả các khu công nghiệp năm trong các khu kinh tế) tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích gần 123 nghìn ha; 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền với tổng diện tích khoảng 766 nghìn ha và 18 khu kinh tế ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ven biển, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng 871,5 ngàn ha.
“Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới, với nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường toàn cần, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế của khu vực và thế giới”, ông Quân cho hay.
Thông tin về tình hình thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế, ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế cho hay, tính đến cuối tháng 10/2021, đã có 10.996 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 230,2 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện khoảng 69%. 10.211 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 2,54 triệu tỷ đồng, vốn thực hiện khoảng 46,5%.
Đáng chú ý, có một số dự án lớn của các tập đoàn như Samsung khoảng 17 tỷ USD, LG 1,5 tỷ USD, Formosa 12 tỷ USD, hay các dự án của Vingroup, Trường Hải, Hòa Phát…
Năm 2020, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế đóng góp giá trị kim ngạch xuất khẩu 138 tỷ USD, tương đương tỷ trọng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp vào ngân sách 137 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 4 triệu lao động.
Chia sẻ một số định hướng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian tới, ông Trung cho biết, trong thời gian tới Chính phủ hướng tới phát triển phát triển các loại hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, tiến tới cân bằng trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế để giảm áp lực về giao thông, đô thị, môi trường và hạ tầng xã hội.
Để thực hiện định hướng này, Chính phủ đang có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế nhập khẩu, ưu đãi đất đai, hỗ trợ của nhà nước đối với đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, chính sách nhà ở công nhân…
Chia sẻ về mô hình xây dựng khu công nghiệp sinh thái, ông Phạm Hồng Điệp, Tổng giám đốc Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) cho biết, sau một thời gian dài nỗ lực xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái, đến nay khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã cơ bản hoàn thiện được 80% các tiêu chí quy định trong Nghị định 82/2018/NĐ-CP. “Hình ảnh khu công nghiệp sinh thái đã nhanh chóng lan tỏa đến các đơn vị đối tác, khách hàng, các diễn đàn xúc tiến đầu tư và cả các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Điệp cho hay.
Theo tính toán của ông Điệp, việc tham gia vào chuỗi cộng sinh công nghiệp tại Nam Cầu Kiền giúp các doanh nghiệp nâng cao rõ rệt về hiệu quả kinh tế và môi trường, giúp tăng giá thành sản phẩm, hiệu suất sản xuất và tỷ lệ nguyên liệu tái chế. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp giảm tác động môi trường, giảm chi phí vận chuyển, giảm khối lượng sử dụng nguyên liệu không tái tạo.
Theo ông Lê Thành Quân, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới toàn diện và mạnh mẽ để trở thành một đất nước phát triển và hiện đại, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với sự phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cần có thay đổi để đảm bảo hiệu quả và bền vững hơn nữa.
Để tiếp tục nâng cao sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh của các khu công nghiệp, khu kinh tế, với vai trò cơ quan đầu mối, tham mưu về quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, ông Quân khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý và ưu đãi đầu tư của khu công nghiệp, khu kinh tế; phát triển các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế với chất lượng quy hoạch, trình độ quản lý và cơ sở hạ tầng kỹ thuật cao hơn; nâng cao tính liên kết, hợp tác giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế.