Tiếp tục hỗ trợ thuế và phí cho các đối tượng bị ảnh hưởng COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Tài chính đề xuất gia hạn, điều chỉnh giảm 29 loại thuế, phí với mức giảm từ 50%-100% đến ngày 30/6 và tiếp tục giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm nay.
Bộ Tài chính trình tiếp tục giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021. (Ảnh: Vietnam+).

Bộ Tài chính trình tiếp tục giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021. (Ảnh: Vietnam+).

Bộ Tài chính cho biết để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, cơ quan này đã chủ động nghiên cứu và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng những giải pháp, cơ chế tài chính thiết thực, như giảm nhiều loại thuế, phí trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ số 11/TTr-BTC ngày 22/1/2021 về việc phê duyệt chủ trương xây dựng Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, áp dụng trong năm 2021.

Cụ thể, bộ trình Chính phủ thông qua chính sách giãn, hoãn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng.

Cụ thể, gia hạn thuế giá trị gia tăng trong năm tháng đối với số thuế phải nộp từ tháng 1 đến tháng 6/2021 khoảng 68.800 tỷ đồng; gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý 1, quý 2 của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 trong ba tháng khoảng 40.500 tỷ đồng; gia hạn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh đến trước ngày 31/12/2021 khoảng 1.300 tỷ đồng; gia hạn tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 trong sáu tháng khoảng 4.400 tỷ đồng.

Ngoài ta, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ giao cho Bộ Tài chính xây dựng Nghị định theo trình tự thủ tục rút gọn, theo đó Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Trước đó, Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư để sửa đổi 31 Thông tư thu phí, lệ phí hiện hành theo hướng miễn hoặc giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí có hiệu lực đến hết năm 2020.

Tuy nhiên đến cuối năm 2020, trước tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, theo đánh giá của các bộ, ngành thì ảnh hưởng của dịch sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2021, do đó Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất gia hạn, điều chỉnh giảm mức thu của 29 loại thuế, phí với mức giảm từ 50%-100% đến ngày 30/6.

Bộ cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 (Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 được UBTVQH ban hành để hỗ trợ ngành hàng không).

Riêng trong tháng Hai, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BTC quy định mức thu, khai, nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt so với hiện hành nhằm hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, ngày 4/2, Bộ Tài chính trình Chính phủ hướng dẫn việc cho phép được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Về kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh miễn hoặc giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, khu du lịch đến hết năm 2021, Bộ Tài chính cho biết theo quy định của Luật thuế Giá trị gia tăng thì có 3 mức thuế suất, trong đó thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; thuế suất 5% chỉ áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như nước sạch, sản phẩm nông nghiệp; mức thuế suất phổ biến là 10% áp dụng đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ chịu thuế còn lại và không có quy định miễn, giảm thuế giá trị gia tăng.

Hiện bộ đang theo dõi sát sao tình hình diễn biến dịch bệnh cũng như tác động của dịch COVID-19 đến tình hình sản xuất kinh doanh và đối tượng bị ảnh hưởng tại các địa phương trên cả nước; tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành thời gian qua. Trên cơ sở đó, bộ sẽ đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí phù hợp với diễn biến thực tế thời gian tới.

Tin bài liên quan