Nguồn: Internet

Nguồn: Internet

Tiếp tục gỡ vướng thủ tục thuế quan

(ĐTCK) Đại diện một DN cho biết, chỉ vì văn bản hướng dẫn của ngành hải quan thiếu mất hai chữ “đo lường”, mặt hàng máy biến áp đo lường do đơn vị này nhập khẩu đã bị áp thuế suất 24% thay vì 5%.

Những kêu ca về thủ tục thuế quan cũng như kiến nghị giảm thuế là mối quan tâm chung của DN tại Hội nghị đối thoại với DN về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan do Bộ Tài chính và VCCI phối hợp tổ chức ngày 27/9. Chẳng hạn, đại diện Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK Việt Nam kiến nghị giảm thuế GTGT cho mặt hàng bột đá (thuế suất hiện tại là 10%), bởi đây chỉ là dự án nhằm tận dụng phụ phẩm sau khi khai thác khoáng sản, giá bán ra rẻ, suất đầu tư lớn từ 6 - 8 triệu USD cho dây chuyền sản xuất. Đại diện một DN xuất khẩu tinh bột sắn cũng kiến nghị giảm thuế suất 10% hiện nay xuống còn 5% như từng áp dụng từ năm 2008 trở về trước.

Có thể thấy, giảm thuế suất vẫn là mong mỏi lớn nhất của DN. Tuy vậy, theo lãnh đạo ngành tài chính, trong một số trường hợp rất khó đáp ứng yêu cầu, ví dụ như sản phẩm liên quan đến đá, bột đá, quan điểm khi thiết kế thuế suất là hạn chế xuất khẩu tài nguyên và sản phẩm chế biến thô; còn đối với mặt hàng nông sản như tinh bột sắn, đã có chính sách khác để hỗ trợ như ưu đãi thuê đất, ưu đãi khi đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất...

Về vấn đề thủ tục hành chính còn  phức tạp, đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, hiện Công ty đang phải tính định mức nguyên vật liệu tiêu hao trong quá trình sản xuất và báo cáo cơ quan hải quan và thuế. Tuy nhiên, với một công ty chế xuất có doanh thu khoảng 1,5 - 1,6 tỷ USD/năm, lượng vật tư tiêu hao rất nhiều và không thể có công thức tính ra định mức chuẩn xác để báo cáo. Vì vậy, công ty này kiến nghị cơ quan quản lý nghiên cứu và có hướng dẫn mới để DN quản lý thực tế sản xuất, còn cơ quan thuế, hải quan chỉ cần đảm bảo vật tư đúng là được sử dụng vào sản xuất là đủ.

Đại diện Canon Việt Nam đồng thời cũng kiến nghị giảm bớt thủ tục xuất nhập khẩu. Hiện Công ty phải nhập khuôn đúc (trong nước chưa sản xuất được) để sử dụng trong nước cũng như chuyển cho khoảng 100 nhà sản xuất linh kiện trong nước và 200 nhà sản xuất ngoài nước theo các đơn hàng gia công. Trong quá trình nhập khẩu về Việt Nam rồi lại chuyển ra nước ngoài, làm phát sinh rất nhiều chi phí vận chuyển, quản lý, làm thủ tục hải quan. Nếu được cơ quan hải quan cho phép quản lý trên giấy tờ, tức là DN vẫn mua hàng từ nước ngoài, thanh toán rồi trực tiếp chuyển cho nhà sản xuất linh kiện thay vì phải nhập về Việt Nam rồi lại chuyển đi, thì tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí.

Bà Phạm Thị Loan, đại diện Tập đoàn Việt Á cho rằng, thuế suất đối với mặt hàng trong nước chưa sản xuất được quá cao, nhiều mặt hàng vẫn áp thuế suất 20 - 25%. Không những thế, sự “vô ý” của một vài cán bộ hải quan cũng gây thiệt hại cho DN. Bà Loan cho biết, mặt hàng máy biến áp đo lường cung cấp cho ngành điện mà đơn vị này nhập khẩu bị áp thuế suất 24%. Sau nhiều lần kiến nghị, ngành hải quan đã có văn bản hướng dẫn để mặt hàng này được hưởng thuế suất 5%. Chưa kịp mừng thì DN ngã ngửa khi đơn vị thực thi khăng khăng áp thuế suất cũ 24%, lý do chỉ vì văn bản hướng dẫn thiếu 2 chữ “đo lường”, nghĩa là vẫn không được xếp vào nhóm hàng 5%.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng như lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu để dần gỡ vướng cho DN. Dẫu vậy, theo lãnh đạo Bộ, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế quan đã có nhiều cải thiện. Những kiến nghị hợp lý nằm ngoài tầm tay, Bộ sẽ trình Chính phủ có hướng xử lý, gỡ khó cho DN.