Ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng giám đốc Eximbank cho biết, tính đến nay, số lượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh chiếm khoảng 13% trên tổng dư nợ của Ngân hàng.
Eximbank đã cơ cấu nợ được khoảng 6% trên tổng dư nợ, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng dư nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
“Ðây là một trong những lý do Eximbank giảm chỉ tiêu lợi nhuận 2020 khoảng 10% so với dự kiến đưa ra đầu năm nay. Dẫu vậy, việc chia sẻ khó khăn với khách hàng cũng là gỡ khó cho Ngân hàng, ngăn chặn nợ xấu tăng, giúp Eximbank tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nợ”, ông Vinh nói.
Trả lời cổ đông tại Ðại hội đồng cổ đông ngày 5/6 vừa qua, bà Nguyễn Ðức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, sở dĩ Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2020 giảm 20% so với năm 2019 một phần do thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh. Năm 2020, Sacombank dự kiến lãi trước thuế hợp nhất đạt 2.573 tỷ đồng.
“Các khoản nợ được cơ cấu, giãn thời gian trả nợ, nhưng Sacombank không được thu lãi dự thu. Chính điều này sẽ tác động đến lợi nhuận của Ngân hàng. Tuy nhiên, Sacombank sẽ nỗ lực để đạt mức lợi nhuận năm 2020 bằng với mức thu về của năm 2019”, bà Diễm nói và cho biết thêm, 5 tháng đầu năm nay, lợi nhuận Sacombank thu về cao hơn cùng kỳ năm 2019, đạt hơn 1.300 tỷ đồng; các chỉ tiêu huy động vốn và tín dụng tăng khoảng 5%; trích lập dự phòng gần 1.700 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, ngay khi xảy ra dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động ban hành các văn bản và tổ chức làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng (TCTD), yêu cầu các TCTD rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng để xây dựng chương trình, kịch bản hành động nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Theo đó, các ngân hàng đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận phù hợp, kể cả không chia cổ tức bằng tiền mặt, dành nguồn lực chia sẻ khó khăn, hỗ trợ khách hàng thông qua giảm mạnh lãi suất cho vay.
Tính đến 25/5/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 224.000 khách hàng với dư nợ gần 152.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 326.000 khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 767.607 tỷ đồng cho 196.369 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5%/năm so với trước dịch.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 150.714 khách hàng với dư nợ 3.813,6 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 75.209 khách hàng với dư nợ 1.567,6 tỷ đồng, cho vay mới đối với 680.031 khách hàng, với dư nợ 25.756,5 tỷ đồng.
Riêng tại TP.HCM, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 158.726 khách hàng với dư nợ 48.325 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 17.448 khách hàng với dư nợ 45.096 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 166.082 tỷ đồng cho 43.487 khách hàng.
Phó thống đốc NHNN Ðào Minh Tú cho biết, đến thời điểm này, hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng, khó khăn đều được xem xét hỗ trợ. Theo Phó thống đốc, nếu như trước đây không cho phép thì nay cho phép các ngân hàng thương mại được cơ cấu lại nợ.
“Nhiều ý kiến cho rằng, NHNN nên cho phép các ngân hàng kéo dài thời gian cơ cấu nợ lên 24 tháng, thay vì tối đa 12 tháng theo quy định Thông tư 01 hiện nay. NHNN sẽ tiếp thu và có giải pháp phù hợp. Dù vậy, doanh nghiệp cũng cần chủ động tái cơ cấu và đồng hành cùng với ngân hàng”, ông Tú nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, đến ngày 25/5, thông qua công tác phối hợp với các đơn vị, sở, ban, ngành trên địa bàn nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chi nhánh đã tiếp nhận 409 trường hợp và đang xử lý 214 trường hợp.
Trong đó, đã có kết quả xử lý 195 trường hợp gồm: 41 doanh nghiệp chưa có nhu cầu hỗ trợ; 33 doanh nghiệp được hỗ trợ giảm lãi từ 0,2-2%/năm so với lãi suất đang áp dụng trước đó; 8 doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; 4 doanh nghiệp được cho vay mới; 3 doanh nghiệp được tăng hạn mức tín dụng; 2 doanh nghiệp được giảm phí dịch vụ; 34 doanh nghiệp đang xem xét hồ sơ; 42 doanh nghiệp được tư vấn hướng dẫn; 5 doanh nghiệp không liên hệ được; 1 doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề thuộc diện ngân hàng thương mại hạn chế cho vay; 21 doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn; 1 doanh nghiệp không đủ điều kiện cơ cấu nợ hoặc giảm lãi.