Ông Ngô Trung Dũng
Thưa ông, Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã có hiệu lực được gần 3 tháng (kể từ ngày 1/7/2016). Hiện tại, DNBH đang mong ngóng thông tư hướng dẫn chi tiết nghị định này. Là cơ quan đại diện cho tiếng nói của DN hội viên, IAV đã có động thái như thế nào?
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của IAV là thay mặt các DNBH hội viên đưa ra những kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực bảo hiểm.
Liên quan đến Nghị định 73, Hiệp hội đã đề nghị Bộ Tài chính xây dựng, sửa đổi bổ sung các thông tư liên quan đến Nghị định này. Trong đó, có việc ban hành thông tư mới thay thế hoặc sửa đổi bổ sung các thông tư trước đây, vì căn cứ ban hành các thông tư là một số nghị định đã được thay thế bằng Nghị định 73.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đã đề nghị sớm ban hành thông tư hướng dẫn thương mại điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm (là nội dung mới được quy định theo Nghị định 73).
Một trong những điểm mới tại Nghị định 73 là có sự tham gia của Bộ Công thương vào quá trình phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Việc thúc đẩy ban hành hợp đồng mẫu đang được IAV thực hiện đến đâu?
Theo Nghị định 73, Bộ Tài chính là cơ quan duy nhất tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê chuẩn, đăng ký sản phẩm bảo hiểm. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi có văn bản phê chuẩn sản phẩm, Bộ Tài chính có trách nhiệm gửi văn bản phê chuẩn sản phẩm và sản phẩm bảo hiểm đến Bộ Công Thương để thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hiện tại, IAV đã đề nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành hợp đồng mẫu về bảo hiểm nhân thọ truyền thống, bảo hiểm đầu tư, bảo hiểm sức khỏe để thực hiện quy trình phê duyệt sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với Bộ Tài chính và đăng ký sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với Bộ Công thương theo Nghị định 73.
IAV đã tháo gỡ đến đâu việc chưa thể triển khai sản phẩm bảo hiểm đối với những ngành nghề/dịch vụ thuộc diện phải mua bảo hiểm theo luật định vì thiếu nghị định và thông tư hướng dẫn?
Theo luật định, có 6 ngành nghề/dịch vụ phải mua bảo hiểm đó là khám chữa bệnh, công chứng, kế toán, kiểm toán, du lịch lữ hành trong nước, quốc tế và trách nhiệm dân sự vận tải đường thủy nội địa.
Trong số 6 ngành nghề thuộc diện phải mua bảo hiểm nói trên, mới có Nghị định 102/2011/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp trong khám chữa bệnh. Hiện vẫn thiếu các nghị định và thông tư quy định về quy tắc, điều khoản, biểu phí đối với 5 ngành nghề còn lại.
IAV đã đề nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định phải mua bảo hiểm trong các luật hiện hành. Cụ thể, xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định 102/2011/NĐ-CP về bảo hiểm trách nhiệm khám, chữa bệnh; xây dựng Thông tư hướng dẫn bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của kiểm toán quy định tại Khoản 5 Điều 29 của Luật Kiểm toán độc lập; hướng dẫn các DNBH bán bảo hiểm trách nhiệm của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba theo Khoản 5, Điều 77, Luật Giao thông đường thủy nội địa và người kinh doanh vận tải phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho người thứ ba; bán bảo hiểm du lịch lữ hành trong nước và quốc tế theo Khoản 2, Điều 50 và Khoản 3, Điều 58 Luật Du lịch.
Các DNBH nhân thọ đang muốn triển khai thí điểm bán bảo hiểm nhân thọ cho người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam và nước ngoài bằng ngoại tệ. Quan điểm của IAV thế nào?
IAV đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để cho phép triển khai thí điểm bán bảo hiểm nhân thọ cho người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam và nước ngoài bằng ngoại tệ. Đồng thời, đề nghị Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm tổ chức dịch sang tiếng Anh các văn bản pháp quy như Nghị định 73 và Thông tư hướng dẫn thi hành để DNBH có bản dịch của cấp có thẩm quyền sử dụng giao dịch với đối tượng người nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài ra, IAV cũng đưa ra những đề nghị liên quan đến các mảng việc khác. Chẳng hạn đề nghị Bộ Tài chính có biện pháp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng chế độ bảo hiểm: thiên tai, tài sản công, bảo hiểm nông nghiệp; chỉ đạo các DNBH tham gia bảo hiểm khai thác thủy sản xa bờ. Ngoài ra, đề nghị cơ quan này sửa đổi bổ sung Thông tư 228/2009/TT-BTC để giải quyết vướng mắc cho DNBH khi tiến hành đối chiếu, kê khai công nợ và trích lập dự phòng phải thu, phải thu khó đòi phù hợp với đặc thù tái bảo hiểm trong và ngoài nước.