Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu cho biết, tháng 3 vừa qua là tháng thứ 10 liên tiếp có nhiệt độ nóng hơn bao giờ hết vào thời điểm tương ứng trong năm, tiếp tục giai đoạn phá kỷ lục về nhiệt độ kéo dài từ tháng 6 năm ngoái.
C3S cho biết, tháng 3 đã nóng hơn 1,68 độ C (3,02 độ F) so với tháng 3 trung bình trong khoảng thời gian tiền công nghiệp tham khảo từ năm 1850 đến năm 1900. Tháng 3 vừa qua cũng ấm hơn 0,1 độ C so với mức cao trước đó được ghi nhận vào tháng 3/2016.
Samantha Burgess, Phó giám đốc của C3S cho biết: “Tháng 3/2024 tiếp tục chuỗi các kỷ lục về khí hậu về cả nhiệt độ không khí và nhiệt độ bề mặt đại dương, với tháng phá kỷ lục thứ 10 liên tiếp…Nhiệt độ trung bình toàn cầu đang cao nhất trong lịch sử, với 12 tháng qua cao hơn 1,58 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp”.
Nhiệt độ cực cao có nhiều khả năng xảy ra do khủng hoảng khí hậu, nguyên nhân chính là do việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Chloe Brimicombe, nhà nghiên cứu khí hậu tại Đại học Graz của Áo cho biết, nhiệt độ toàn cầu kỷ lục trong tháng 3 vừa qua là do biến đổi khí hậu do con người gây ra.
“Chúng ta lại chứng kiến những đợt nắng nóng cực độ, bão và lũ lụt ở Nam bán cầu trong năm nay. Giá cacao toàn cầu đã bị ảnh hưởng. Chúng ta cũng đã chứng kiến lượng tuyết rơi dưới mức trung bình ở Trung Âu và chúng tôi đang dự đoán hơn một nửa số sông băng trên núi cao ở châu Âu sẽ biến mất vào cuối Thế kỷ này…Đó có thể là một mùa Hè nóng bức kéo dài và không hề tốt chút nào”, ông cho biết.
Jonathan Bamber, Giám đốc Trung tâm Sông băng Bristol tại Đại học Bristol của Anh lưu ý rằng các kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ trong năm nay theo sau năm 2023 nóng kỷ lục.
Báo cáo khí hậu hàng tháng mới nhất của C3S được đưa ra ngay sau khi cơ quan thời tiết của Liên hợp quốc đưa ra “cảnh báo đỏ” cho thế giới sau khi cơ quan này cho biết một loạt kỷ lục về khí hậu năm ngoái đã mang lại ý nghĩa mới cho cụm từ “ngoài bảng xếp hạng”.
Trong báo cáo thường niên “Tình trạng khí hậu toàn cầu”, các nhà nghiên cứu tại Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã xác nhận năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận và cho biết giai đoạn từ 2014 đến 2023 cũng phản ánh khoảng thời gian 10 năm nóng nhất được ghi nhận.
Các nhà nghiên cứu của WMO cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2023 cao hơn mức 1,45 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thấp hơn một chút so với ngưỡng nóng lên chính là 1,5 độ C.
Mức 1,5 độ C được công nhận như một dấu hiệu cho thấy khi nào tác động của khí hậu ngày càng trở nên có hại cho con người và hành tinh, như đã nêu trong Thỏa thuận Paris.