Nếu như trước đây, khi xây dựng chỉ tiêu trình đại hội đồng cổ đông, các ngân hàng, nhất là ngân hàng lớn thường đưa ra các con số của năm sau luôn cao hơn năm trước từ 20 đến 40%. Song năm nay, không ít ngân hàng đưa ra chỉ tiêu tín dụng giảm so với năm 2013. Một số ngân hàng không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận, mà coi trọng trên hết việc kiểm soát được rủi ro nợ xấu.
HĐQT Eximbank vừa công bố Nghị quyết HĐQT về các chỉ tiêu kinh doanh năm 2014. Cụ thể, dự kiến năm nay, huy động vốn của Eximbank tăng 21%; dư nợ tín dụng tăng 23%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.800 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 3% và cổ tức dự kiến ở mức 8,5%.
Nếu so với kế hoạch năm 2013 (3.200 tỷ đồng), thì chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà Eximbank đưa ra cho năm nay giảm gần một nửa. Song lãnh đạo Eximbank thẳng thắn thừa nhận rằng, để đạt được mục tiêu lợi nhuận trên cũng không hề dễ.
Lãnh đạo Eximbank lý giải, tỷ lệ chênh lệch giữa huy động vốn và cho vay hiện chỉ dao động ở mức 1,5 - 2%, chỉ đủ bù đắp chi phí trong hoạt động, nên rất khó kỳ vọng có lợi nhuận cao. Trong năm 2013, tín dụng của Eximbank tăng trên 11% so với năm 2012, song lợi nhuận cả năm chỉ đạt 31% kế hoạch cũng phần nào phản ánh điều đó.
Thực tế, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay hiện co hẹp đáng kể, khiến nguồn thu từ hoạt động cho vay không còn đóng góp nhiều vào lợi nhuận như trước đây. Năm 2013, lợi nhuận thuần của Eximbank chỉ đạt 2.736 tỷ đồng, giảm 44% so với năm 2012.
Trong khi đó, dù có mức tăng trưởng tín dụng cũng như lợi nhuận đạt được trong năm qua khá ấn tượng (hoàn thành chỉ tiêu 2.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và tín dụng tăng trưởng trên 13%), song Sacombank vẫn khá dè dặt khi đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay là 3.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, HĐQT đã có sự cân nhắc kỹ khi đưa chỉ tiêu trên, vì trong bối cảnh hiện nay, kỳ vọng được mục tiêu lợi nhuận cao là rất khó, mà phải được cân nhắc cẩn thận.
Do kết quả kinh doanh năm 2013 của DongA Bank không đạt như kỳ vọng, khi không hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 1.000 tỷ đồng, tín dụng tăng thấp, chỉ đạt vài phần trăm, nên các chỉ tiêu năm nay đều được đưa ra ở mức khiêm tốn.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank lý giải, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, thì việc không đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra cũng là bình thường và khó tránh. “Vì vậy, mục tiêu lợi nhuận mà DongA Bank dự kiến đề ra cho năm nay cũng khiêm tốn, cho dù DongA Bank được xem là một trong những ngân hàng có nguồn thu từ mảng dịch vụ đóng góp khá tốt vào lợi nhuận, do đang sở hữu số lượng lớn tài khoản thẻ (ATM, tín dụng…) của khách hàng và các dịch vụ liên quan”, ông Bình nói và cho biết thêm, trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng rất khó có được lợi nhuận cao, vì lợi nhuận phần lớn đến từ hoạt động tín dụng.
Ngay cả “đại gia” BIDV cũng chỉ đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2014 tối thiểu là 6.000 tỷ đồng, nợ xấu dưới 2,6%, dù lợi nhuận sau thuế năm 2013 đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2012. Không chỉ BIDV, mà cả “ông lớn” VCB lẫn VietinBank đều cân nhắc khá kỹ khi xây dựng kế hoạch cho năm mới. Đáng chú ý là, kể từ năm 2008 trở lại đây, chỉ tiêu lợi nhuận của các ngân hàng trên đưa ra cho năm sau thấp hơn năm trước.
Lợi nhuận sụt giảm, do trích dự phòng rủi ro cao, nên cổ tức chi trả cho cổ đông cũng không đạt được như kế hoạch đưa ra. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trong lúc này, điều quan trọng hơn đối với các ngân hàng là đảm bảo an toàn trong hoạt động, nên đòi hỏi phải trích lập dự phòng đầy đủ, trước khi nghĩ đến việc lên kế hoạch chia lợi nhuận cho cổ đông, nhà đầu tư.