Quốc hội vừa tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với 424/426 đại biểu tham gia tán thành. Theo đó, gói chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được duyệt với quy mô gần 350.000 tỷ đồng sẽ được triển khai trong năm 2022 và 2023.
Theo Nghị quyết, trong chính sách tài khóa, hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua. Cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng.
Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Liên quan đến chính sách tiền tệ, Nghị quyết nêu rõ, điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên;
Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng;
Đồng thời, điều tiết thanh khoản phù hợp, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất. Điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ và để các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Bên cạnh đó, sử dụng tối đa 46 nghìn tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc - xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cần thiết.
Điểm đáng chú ý là tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế. Cân đối giải pháp về tiền tệ hỗ trợ Chương trình với tổng thể phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.
Liên quan đến việc tiếp thu, chỉnh lý, giải trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông tin cụ thể như sau:
Đối với một số ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ xác định mức hỗ trợ lãi suất 2%/năm; quy định rõ phạm vi, đối tượng thụ hưởng, mục đích hỗ trợ, cơ chế kiểm soát, điều kiện thụ hưởng trong Nghị quyết.
UBTVQH báo cáo: Mức hỗ trợ lãi suất được xác định trên cơ sở mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân trên thị trường (mức chênh lệch hiện tại khoảng 4%), do vậy mức hỗ trợ lãi suất 2% là phù hợp với khả năng của NSNN, tránh được tình trạng trục lợi chính sách; việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất được giao cho Chính phủ thực hiện. Do vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị thực hiện bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó tiếp cận, đáp ứng điều kiện vay vốn.
UBTVQH báo cáo: Dự thảo Nghị quyết đã có nhiều nội dung hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp như giảm, giãn, hoàn thuế, phí, tiền thuê đất...; đồng thời Nghị quyết đã giao Chính phủ tiếp tục cải cách thủ tục cho vay, thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn. Do vậy, xin Quốc hội không bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết.
Một số ý kiến đề nghị làm rõ lý do tăng vốn điều lệ, mức tăng vốn điều lệ và thời gian cụ thể áp dụng tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank).
UBTVQH báo cáo: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là một trong những ngân hàng tiên phong trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước; có vị trí quan trọng trong đáp ứng nhu cầu vốn, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và phục hồi kinh tế - xã hội. Phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 sẽ được Chính phủ chỉ đạo xây dựng cụ thể. Do đó, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.
Một số ý kiến đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội cần có chính sách ưu đãi hơn đối với các đối tượng chính sách xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo.
UBTVQH báo cáo: Các đối tượng chính sách xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện đang thụ hưởng nhiều chính sách công; đồng thời để tập trung nguồn lực, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.