Tiếp tục câu hỏi về trần lãi suất huy động!

(ĐTCK-online) Kết thúc cuộc họp đầu tuần trước tại TP. HCM, các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng đã thống nhất đưa ra đề xuất bỏ trần lãi suất huy động 10,5% hiện hành. Kiến nghị này nhận được nhiều ý kiến còn khác nhau của các chuyên gia trong ngành. Nhằm cung cấp thêm cho bạn đọc thông tin đa chiều về vấn đề này, ĐTCK xin giới thiệu ý kiến của một độc giả có một góc nhìn khác về quy định trần lãi suất huy động.

Với quan điểm không nên khống chế trần lãi suất huy động, nhiều ngân hàng hiện nay cho rằng: "Cho vay trung dài hạn được áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận nhưng vẫn khống chế mức trần huy động 10,5% là rất bất hợp lý và làm khó NHTM, trong khi thực tế, lãi suất huy động trên thị trường đang tăng cao hơn 10,5%, ngay cả trên thị trường liên ngân hàng (giữa ngân hàng với nhau) lãi suất huy động cũng đã lên tới 12%".

Nhưng những diễn biến vừa qua hoàn toàn không đơn giản như vậy. Cuộc cạnh tranh lãi suất huy động diễn ra tương đối quyết liệt để tranh giành thị phần trên thị trường tiền tệ trong năm 2008, và những tháng đầu năm 2009, dẫn đến nguy cơ các NHTM có thể bị lỗ và đổ vỡ, vì khi đó mức lãi suất huy động vốn gần bằng mức lãi suất cho vay, trong khi đó nguồn huy động vốn phải để dự trữ bắt buộc gần 10%. Để đảm bảo an toàn hoạt động cho hệ thống ngân hàng, NHNN phải có quy định để hạn chế sự cạnh tranh này. Đến nay, cho vay trung và dài hạn đã được thực hiện theo thỏa thuận, việc quy định khống chế tiền gửi huy động 10,5% là điều kiện tốt để các ngân hàng tính toán lợi nhuận, quyết định mức lãi suất cho vay phù hợp với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất.

Trong bối cảnh hiện nay, kiểm soát lạm phát đang là mục tiêu hàng đầu của chính sách kinh tế vĩ mô, mà nhất là chính sách tiền tệ, nên mức độ cung ứng tiền của NHNN ra nền kinh tế sẽ có những hạn chế nhất định. Đồng thời, chính sách tài khóa cũng có những hạn chế chi tiêu nhất định. Hơn nữa, thực tế hiện nay các thành viên trên thị trường tiền tệ, vẫn trong tình trạng "khát vốn", cạnh tranh giành giật thị trường. Vì vậy, nếu NHNN bỏ quy định khống chế 10,5% lãi suất huy động thì một cuộc đua lãi suất huy động vốn rất có thể xảy ra và lãi suất thỏa thuận trung dài hạn có thể sẽ được nâng ở mức cao hơn, trong trường hợp không nâng thì sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Nếu kịch bản này xảy ra, nền kinh tế sẽ gánh chịu hậu quả gì? Có lẽ không cần trả lời chúng ta cũng thấy rõ được tính bất ổn vĩ mô là rất lớn đối với kịch bản này.

Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng, khi thị trường tiền tệ xuất hiện những hiện tượng cạnh tranh giành giật khách hàng vay vốn, bằng cách hạ thấp lãi suất cho vay, đồng thời hạ thấp lãi suất huy động. Để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, cũng như lợi nhuận và hạn chế cạnh tranh của các NHTM, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phải quy định trần lãi suất huy động tiền gửi và sàn lãi suất cho vay.

Do đó, xem xét đề xuất bỏ hay không bỏ trần lãi suất huy động phải được cân nhắc trên tình hình thực tế của Việt Nam cũng như lợi ích của quốc gia?

Với mục tiêu kiểm soát lạm phát 7%, trần lãi suất huy động 10,5% là đảm bảo lãi suất thực dương 3,5%/năm cho người gửi tiền, đây là mức lãi suất thực dương hợp lý, đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền. Trong trường hợp bỏ quy định không chế mức huy động vốn 10,5%, chắc chắn các NHTM sẽ đẩy lãi suất huy động lên cao hơn, từ đó tạo ra một " kỳ vọng lạm phát" (điều này cũng ra diễn ra trên thị trường Việt Nam năm 2003, khi mà các NHTM đua nhau nâng lãi suất huy động và sau đó lạm phát gia tăng mạnh). Lãi suất tăng cao cùng với hàng loạt các yếu tố đầu vào của sản xuất tăng lên đang gây áp lực lên lạm phát, thì khả năng kiểm soát lạm phát 7% là rất khó khăn. Hiện nay, chưa có một một chỉ số nào để đo lường mức "lạm phát kỳ vọng" là bao nhiêu, song phòng còn hơn chống, mặc dù thực tế cho thấy, việc Chính phủ cho phép tăng giá điện, than, xăng dầu chưa tạo ra "lạm phát kỳ vọng", bởi sự suy giảm kinh tế đã làm giảm thu nhập của người dân, việc tăng giá này sẽ có tác động hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng.

Từ những phân tích như vậy, câu hỏi đặt ra là "có nên bỏ quy định khống chế mức lãi suất huy động 10,5% như hiện nay hay không?", câu trả lời xin dành cho các nhà hoạch định chính sách.