Đáng chú ý, khi lĩnh vực BĐS ấm dần trở lại, các ngân hàng không chỉ rộng cửa cho cá nhân vay mua nhà mà còn đẩy mạnh vốn cho chủ đầu tư, “chạy đua” bảo lãnh dự án. Điều này làm dấy lên nỗi lo ngại về “bong bóng” tín dụng BĐS có thể lặp lại, khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần sớm đưa ra cảnh báo rủi ro.
Tín dụng chảy mạnh vào bất động sản
Mặt bằng lãi suất cho vay dần giảm về mức hợp lý, giá BĐS ở mức phù hợp, thanh khoản ngân hàng cải thiện, thị trường BĐS có dấu hiệu ấm dần lên… chính là lý do để các ngân hàng thương mại đẩy mạnh vốn cho vay vào lĩnh vực này. Nhiều ngân hàng tung ra các chương trình cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi, thúc đẩy khách hàng cá nhân vay vốn, đẩy dư nợ ngân hàng lĩnh vực BĐS tăng lên.
Lãnh đạo Sacombank cho biết, tín dụng Sacombank năm 2015 tăng chủ yếu tại lĩnh vực cho vay mua nhà, chiếm trên 50% tổng dư nợ của Ngân hàng. Tại OCB, Viet Capital Bank, dư nợ cho vay mua nhà cũng tăng trưởng đáng kể trong năm qua, chiếm 20-30% tổng dư nợ của khối cá nhân.
Không chỉ thúc đẩy cho vay cá nhân, các ngân hàng còn đẩy mạnh vốn cho chủ đầu tư vay triển khai, hoàn thiện các dự án dở dang để có cơ hội thu hồi được khoản nợ cũ trước đó. Bên cạnh đó, Sacombank, Techcombank, VIB, Vietcombank và các ngân hàng khác như OCB, VietBank, Viet A Bank… đều tìm kiếm dự án có đầu ra tốt để cho vay. Các nhà băng chạy đua cho vay BĐS, bởi đây là khoản vốn vay trung, dài hạn lãi suất cao, biên lãi thu về trong cho vay cao hơn so với các loại hình tín dụng khác.
Ông Trương Đình Long, Tổng giám đốc OCB cho hay, cùng với chiến lược đẩy mạnh vốn cho cá nhân vay mua nhà, Ngân hàng hỗ trợ vốn cho chủ đầu tư, nhưng sàng lọc dự án tốt mới cung ứng vốn.
Theo Vụ Tín dụng (NHNN), tín dụng BĐS trong năm qua liên tục tăng, hiện dư nợ cho vay kinh doanh BĐS vào khoảng 360.000 tỷ đồng. Như vậy, so với con số cách đây 3 năm (2012) khoảng 197.000 tỷ đồng thì các ngân hàng đã “bơm” vào lĩnh vực địa ốc khoảng 163.000 tỷ đồng, tức đã tăng khoảng 80%. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng, tín dụng tăng trưởng tích cực trong năm qua không loại trừ việc các ngân hàng đẩy mạnh vốn vào BĐS nên cần thiết phải kiểm soát rủi ro để hạn chế nợ xấu tái tăng.
Cần kiểm soát được rủi ro
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Trong đó, Chính phủ đặc biệt lưu ý NHNN cần chú trọng kiểm soát chặt chẽ các khoản cấp tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: BĐS, dự án thu hồi vốn thời gian dài... Đây cũng là một trong những cảnh báo đối với các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay BĐS năm 2015 và năm 2016.
Theo các chuyên gia tài chính, tín dụng BĐS đang có xu hướng tăng cao đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng bong bóng BĐS lặp lại, khiến nợ xấu ngân hàng tái tăng, trong khi khối nợ xấu cũ “khổng lồ” chưa xử lý hết. Báo cáo kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, sự phục hồi của thị trường BĐS là tín hiệu tích cực với nền kinh tế. Tuy nhiên, cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường này và ngăn ngừa hình thành bong bóng BĐS có tính chu kỳ.
Còn nhớ giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, tín dụng ngành ngân hàng tăng trưởng mạnh lên đến 37-40%/năm theo sự thăng hoa của thị trường BĐS, chứng khoán. Trong đó, dư nợ lĩnh vực phi sản xuất (BĐS, chứng khoán) tăng gần 42% và chiếm gần 20% cơ cấu dư nợ của hệ thống. Năm 2010, tín dụng tăng trưởng 27,6%, dư nợ cho vay riêng BĐS tăng trưởng đến 23,5%. Vì thế, tháng 2/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó có chỉ định giảm tốc độ, tỷ trọng vay vốn tín dụng khu vực kinh doanh phi sản xuất, nhất là BĐS, chứng khoán.
Tín dụng cho lĩnh vực BĐS đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch không chỉ tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường này. Vì vậy, theo các chuyên gia tài chính, khi thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay BĐS.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, việc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay BĐS, nhất là đối với cá nhân vay mua nhà với lãi suất hợp lý sẽ tốt cho thị trường. Tuy nhiên, “bong bóng” tín dụng BĐS có thể xảy ra ở phân khúc tín dụng cho vay mua nhà, nếu ngân hàng lại ồ ạt cho vay như tình trạng đã xảy ra ở Mỹ vào những năm đầu tiên của thập niên 90 và ở Việt Nam vào thời kỳ 2007-2010. Vì thế, ngân hàng đẩy vốn vào BĐS phải có sự kiểm soát chặt, do tín dụng tại lĩnh vực này luôn tiềm ẩn rủi ro lớn.
Trả lời câu hỏi NHNN đã có biện pháp kiểm soát dòng vốn như thế nào để dòng tiền tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, khi gần đây đang có hiện tượng vốn chảy mạnh vào BĐS, Phó thống đốc NHNH Nguyễn Phước Thanh cho biết, NHNN đặc biệt quan tâm và hướng tín dụng vào 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn; doanh nhiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Do đó, trong năm 2016, NHNN sẽ kiểm soát chặt dòng chảy vốn vào BĐS.
Trong khi đó, vẫn có các ý kiến cho rằng, việc vay mua BĐS hiện nay xuất phát từ nhu cầu thực bởi 2 đối tượng, mua nhà để ở hoặc đầu tư thận trọng, thay vì đầu tư ồ ạt như trước đây. Việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay, bảo lãnh dự án cũng không quá rủi ro, bởi bài học về việc “vung tay quá trán” cho vay vào BĐS những năm trước đây vẫn còn hiện hữu.