Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, phương châm đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam tiếp tục được duy trì, công tác đối ngoại của Việt Nam tiếp tục được triển khai toàn diện, đồng bộ.
Kế thừa, tiếp nối thành công từ các năm trước và triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, trong năm 2016, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường vị thế quốc tế của đất nước, hướng tới tổ chức thành công Năm APEC 2017.
Cùng với củng cố quan hệ hợp tác với các quốc gia lớn trên thế giới, việc tăng cường hợp tác với các quốc gia ASEAN và các diễn đàn quốc tế trong năm qua tiếp tục được đẩy mạnh.
Để giúp bạn đọc có được cái nhìn toàn cảnh về công tác đối ngoại của Việt Nam trong năm qua, Báo Đầu tư xin điểm lại những sự kiện ngoại giao nổi bật.
Tiếp nối thành công sau chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (tháng 5/2016) đã tái khẳng định vị thế quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm, hai bên nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện theo hướng thực chất, hiệu quả.
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp đang phát triển mạnh và toàn diện, chuyến thăm chính thức của Tổng thống Cộng hòa Pháp François Hollande (tháng 9/2016) khẳng định quyết tâm đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hợp tác kinh tế là trụ cột ưu tiên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Volachith (tháng 4/2016). Đây là chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên của ông Bounnhang Volachith trên cương vị mới.
Tổng thống Cộng hòa Myanmar Htin Kyaw hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 10/2016. Tổng thống Htin Kyaw đã khẳng định, Myanmar khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Myanmar.
Trong năm 2016, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục được củng cố thông qua chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (tháng 9/2016). Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ đến Việt Nam sau 15 năm, khẳng định chính sách "Hướng Đông" của Ấn Độ. Đặc biệt trong chuyến thăm này, Thủ tướng Modi đã công bố khoản tín dụng mới trị giá 500 triệu USD để tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai bên.
Năm 2016, Việt Nam đã tổ chức thành công sự kiện đối ngoại đa phương lớn nhất trong năm là Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 7 (ACMECS 7) và Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 8 (CLMV 8), đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững cho các quốc gia thành viên. Đồng thời, đây cũng là bước chuẩn bị để Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017.
Chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 11/2016) mang ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam sau Đại hội Đảng lần thứ XII, thể hiện sự coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Raul Castro trong chuyến thăm chính thức Cuba tháng 11/2016. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí đẩy nhanh đàm phán và sớm ký kết Hiệp định Thương mại mới, thay thế cho Hiệp định đã ký năm 1996, tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư song phương.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Myanmar Win Myint (tháng 9/2016). Đây là chuyến công du đầu tiên của bà Nguyễn Thị Kim Ngân trên cương vị Chủ tịch Quốc hội tới 3 nước Lào, Campuchia, Myanmar và tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37 (AIPA-37).
Lựa chọn Liên bang Nga là quốc gia đầu tiên tới thăm sau khi nhậm chức, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc góp phần củng cố, tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga. Tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Nga, Việt Nam một lần nữa thể hiện vai trò quan trọng của mình trong khối ASEAN cũng như mối quan hệ ASEAN với các cường quốc.
Năm 2016 đánh dấu việc lần đầu tiên Việt Nam tham gia Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới (UAE, tháng 12/2016), thể hiện chính sách tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trên các diễn đàn nghị viện khu vực và thế giới, đồng thời khẳng định chính sách bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước ta.
Trong bài phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) (Lima, Peru tháng 11/2016), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đưa ra chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và được các nền kinh tế thành viên APEC đánh giá cao.