Thay đổi từ tư duy
Chia sẻ tại một cuộc tọa đàm mới đây về phát triển kinh tế tư nhân, ông Trần Văn Thế, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả - doanh nghiệp BOT lớn của Việt Nam hiện nay đã lên tiếng về những vướng mắc mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, trong đó, rào cản lớn nhất lại đến từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Chúng tôi là một bên tham gia vào hợp đồng BOT, nhưng trong quá trình đàm phán hay làm việc đều chưa được đối xử bình đẳng”, ông Thế nêu vấn đề và cho biết, ông thực sự lo ngại bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn thể hiện sự thờ ơ khi quá trình đầu tư của doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí có động thái gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Trước thực tế này, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Võ Trí Thành cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của khối tư nhân còn rất lớn, nhưng môi trường chưa thực sự thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân có thể sinh sôi, phát triển bền vững. Điều này phần nào được thể hiện ở sự tồn tại ngắn ngủi của phần lớn doanh nghiệp nhóm này.
“Các số liệu thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, có 93.000 công ty thành lập, nhưng có tới 74.000 doanh nghiệp đóng cửa. Hiện tại, điều kiện gia nhập thị trường đã tốt hơn trước rất nhiều, vậy lý do nào khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa?”, ông Thành nói.
Trong khi đó, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Kinh tế tư nhân Việt Nam nhờ sức sống mạnh nên vẫn phát triển được, nhưng rất vất vả. Do đó, điều cần làm hiện tại là phải thay đổi mạnh từ tư duy, xác định chính xác khu vực tư nhân đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, việc cần làm ngay trước mắt là phải nhận diện và đánh giá lại một cách chính xác về quy mô và đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, từ đó mới có những thay đổi căn bản trong nhận thức để tạo ra những chính sách thuận lợi cho sự phát triển của khu vực này.
“Con số thống kê cho thấy khu vực tư nhân đóng góp 9% GDP đã xuất hiện kể từ khi có Luật Doanh nghiệp đến nay. Nếu so với năm 2000, con số này chỉ tăng thêm 1 điểm phần trăm, tôi hoàn toàn nghi ngờ điều này”, ông Cung nói.
Theo đó, đại diện CIEM cho rằng, các con số doanh thu, lợi nhuận của khu vực này đều cao, nhưng đóng góp GDP lại thấp, khiến doanh nghiệp tư nhân dù có đóng góp to lớn nhưng vai trò, hình ảnh vẫn chưa có được vị trí xứng tầm.
Tiếp thêm động lực
Đánh giá về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân một cách khách quan, GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khẳng định, kinh tế tư nhân với số lượng ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn đang đóng vai trò quan trọng đối với việc gia tăng tốc độ tăng trưởng theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, theo GS. Nguyễn Mại, hiện tại đã xuất hiệu những tín hiệu mới tích cực, thể hiện việc phát triển kinh tế tư nhân đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Cụ thể, lĩnh vực công nghệ thông tin và dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc trong những năm tới, nhiều tập đoàn kinh tế sau thời gian tích lũy vốn, nâng cao trình độ công nghệ, nguồn nhân lực đã chuyển hướng kinh doanh sang các ngành công nghiệp tương lai thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
Kinh tế tư nhân đang trên đà tăng trưởng, số doanh nghiệp mới thành lập năm sau nhiều hơn năm trước, số vốn của người dân đưa vào kinh doanh đạt hàng triệu tỷ đồng mỗi năm. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2018, có 87.448 doanh nghiệp được thành lập với tổng số vốn đăng ký và tăng thêm là 2,56 triệu tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước.
Chưa kể, phong trào khởi nghiệp đang rất sôi động, thu hút hàng vạn người trẻ tuổi có ý chí, hoài bão, sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm tham gia.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô ngày càng lớn, kinh doanh đa dạng hơn, đa số coi trọng kinh doanh gắn với sáng tạo, năng động. Đây đang và sẽ là bộ phận đông đảo và quan trọng nhất của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân.
Đề xuất cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân sinh sôi và phát triển, ông Trịnh Hiền Trung, Tổng giám đốc TH Herbals cho rằng, cần xác định các doanh nghiệp hoạt động tại lĩnh vực trọng yếu của đất nước để dồn sức hỗ trợ.
“Cơ quan quản lý cần có cơ chế chính sách để thu hút các doanh nghiệp lớn, giàu nguồn lực tham gia thị trường, thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân.
Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực mũi nhọn và thiết yếu cho cuộc sống như nông nghiệp công nghệ cao, hoạch định chính sách phát triển lâu dài, cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn quốc tế trong nền kinh tế hội nhập”, ông Trung nhấn mạnh.