"Sự tham gia của người dân trong lập quy hoạch chưa được coi trọng"
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (tỉnh Hoà Bình)
Đối với quy hoạch đô thị đang tồn tại 2 vấn đề, đó là chất lượng quy hoạch đô thị thấp và tình trạng không tuân thủ pháp luật về quy hoạch; quản lý quy hoạch yếu, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện theo ý chủ quan của một vài cá nhân. Quy hoạch treo và nguồn lực để thực hiện quy hoạch phục vụ quản lý quy hoạch không được đảm bảo cũng là một trong những nguyên nhân phá vỡ quy hoạch, gây khó khăn cho xử lý vi phạm pháp luật về quy hoạch đất đô thị.
Việc chấp hành quy định trong việc công khai dân chủ trong quy hoạch đô thị chưa nghiêm, đặc biệt là sự tham gia của người dân trong lập quy hoạch chưa được coi trọng đúng mức, việc tiếp thu, xử lý các ý kiến tham gia phản biện đồ án quy hoạch của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và người dân còn mang tính hình thức.
"Hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ"
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
Thời gian qua, quá trình đô thị hóa mang lại diện mạo mới cho các đô thị lớn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình trạng tự phát, phong trào, không theo quy hoạch hoặc phá vỡ quy hoạch vẫn diễn ra phổ biến.
Nguyên nhân của tình trạng này, trước hết là do hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ, phạm vi điều chỉnh bỏ trống nhiều lĩnh vực, có chỗ chồng chéo, chế tài xử lý vi phạm chưa rõ. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước về xây dựng còn bất cập so với yêu cầu phát triển.
Hiện cả nước có khoảng 760 đô thị, tuy đã có quy hoạch chung, nhưng chậm hơn so với yêu cầu đặt ra. Có những nơi đô thị phát triển rồi mới xây dựng xong quy hoạch.
"Phát triển đô thị kiểu phong trào là do khâu tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch yếu kém"
Ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng)
Nguyên nhân của tình trạng phát triển đô thị “phong trào” là do khâu tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch yếu kém.
Một thời gian dài, chúng ta tổ chức thực hiện quy hoạch theo kiểu đã có quy hoạch chung là coi như xong. Các chủ đầu tư bám vào quy hoạch chung để “chấm” dự ánđầu tư xây dựng. Tuy nhiên, điều này chính là sai lệch cơ bản, vì quy hoạch chung chỉ mang tính định hướng, sau quy hoạch chung phải xây dựng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị...
Điều này cũng chính là nguyên nhân khiến nguồn lực dành cho phát triển đô thị bị phân tán, mất cân đối cung - cầu và việc không thực hiện theo bộ công cụ quản lý đô thị, dẫn đến tình trạng “nhìn mặt nhau để thỏa thuận”. Nhà nước không những dần mất vai trò định hướng quy hoạch, mà còn trở thành người đi sau nhà đầu tư để hợp thức hóa các dự án.
"Công tác dự báo, quản lý xây dựng đô thị vẫn còn hạn chế"
PGS - TS - KTS. Nguyễn Trúc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội
Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, việc lập và phê duyệt một số quy hoạch còn chậm, chưa đồng bộ giữa phát triển kinh tế, xã hội và không gian đô thị. Hạ tầng chưa đồng bộ với mức độ phát triển, tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và úng ngập chậm được khắc phục, gây bức xúc cho người dân.
Các dự án cải tạo, xây mới nhà, công trình công cộng và hạ tầng xã hội, công trình hỗn hợp cao tầng mới chỉ đáp ứng các nhu cầu trước mắt, chưa đặt ra yêu cầu đầy đủ, đúng mức về phát triển đồng bộ, hợp nhất, khiến bộ mặt nhiều đô thị ở Việt Nam chưa hoàn chỉnh.