Tiếp đà phục hồi cho các hãng bay Việt

Tiếp đà phục hồi cho các hãng bay Việt

0:00 / 0:00
0:00
Kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2023 giúp các hãng hàng không Việt Nam lên kịch bản kinh doanh cho cả năm 2023 với nhiều mảng màu tươi sáng hơn.

Vượt đáy

Cho đến thời điểm này, cả hai hãng hàng không nắm giữ những vị trí dẫn đầu về thị phần vận tải hàng không nội địa là Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) và Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet, mã chứng khoán: VJC) đều đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2023.

Theo đó, trong quý I/2023, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hợp nhất của Vietnam Airlines đạt 23.640 tỷ đồng, tăng 149% so với cùng kỳ năm 2022 (11.683 tỷ đồng), trong đó doanh thu vận tải hàng không đạt 18.813 tỷ đồng, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2022 (8.403 tỷ đồng). Cần phải nói thêm rằng, doanh thu trong quý I/2019 - quý có kết quả kinh doanh tốt nhất của Vietnam Airlines trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 cũng chỉ đạt khoảng 25.000 tỷ đồng.

Cũng trong quý I/2023, tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ Vietnam Airlines tăng 113% so với quý I/2022 (tăng hơn 9.569 tỷ đồng), chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 116%, tương đương tăng 9.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu nội địa tăng 76,5%, quốc tế tăng 618,5% do thị trường phục hồi mạnh.

Cùng với việc triển khai các giải pháp quyết liệt trong điều hành kinh doanh như giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ, kết hợp với các yếu tố đầu vào diễn biến tích cực, đặc biệt là tỷ giá đã giúp lỗ hợp nhất quý I/2023 của Vietnam Airlines giảm sâu so với quý I/2023 (quý I/2023 lỗ 37,3 tỷ đồng, so với quý I/2022 lỗ 2.685 tỷ đồng) chủ yếu do giảm lỗ công ty mẹ, Pacific Airlines và các công ty con kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước.

“Đây là những kết quả bước đầu rất khả quan của Vietnam Airlines trong giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Xuân Thủy, người phụ trách quản trị - Thư ký công ty của Vietnam Airlines thông tin.

Không chỉ Vietnam Airlines, các hãng hàng không nội địa khác cũng đang ghi nhận những kết quả kinh doanh tích cực.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023 của Vietjet cho thấy, doanh thu vận chuyển hàng không của hãng này đạt 12.880 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, tăng lần lượt 286% và 320% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu hoạt động phụ trợ đạt 4.312 tỷ đồng, đóng góp hơn 33% tổng doanh thu. Về kết quả kinh doanh hợp nhất, Vietjet ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 12.898 tỷ đồng và 173 tỷ đồng.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, nguyên nhân giúp các hãng hàng không vượt “đáy” trong thời gian qua được xác định do nhu cầu đi lại dần tăng cao, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 - một trong hai đợt vận chuyển cao điểm của ngành hàng không. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa cũng thúc đẩy một phần quan trọng sự khôi phục của thị trường du lịch và các hoạt động kinh tế khác.

Áp lực duy trì dòng tiền

Kết quả kinh doanh tương đối thuận lợi trong quý I/2023 là tiền đề để các hãng bay định hình chính xác hơn kế hoạch sản xuất, kinh doanh của cả năm 2023 trình Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua trong ít ngày tới.

Do thị trường nội địa đã phục hồi như trước dịch Covid-19, nên đà phục hồi nhanh hay chậm của các hãng bay sẽ phụ thuộc phần lớn vào thị trường quốc tế, đặc biệt là các đường bay kết nối với khu vực Đông Bắc Á.

Cụ thể, kịch bản kỳ vọng cao nhất là các đường bay trọng điểm kết nối Trung Quốc như Hà Nội/ TP.HCM - Bắc Kinh/Thượng Hải/Quảng Châu về cơ bản sẽ hồi phục tần suất tương đương năm 2019 ngay từ tháng 7/2023; các đường bay lẻ từ Đà Nẵng đi Trung Quốc sẽ hồi phục từ tháng 11/2023.

Trong trường hợp thị trường quốc tế phục hồi như kỳ vọng, các yếu tố đầu vào như chi phí nhiên liệu, tỷ giá… diễn biến thuận lợi, phần lớn các hãng hàng không Việt Nam có thể đạt điểm hòa vốn ngay trong năm 2023, trước khi tính đến khả năng thu được lợi nhuận trong những năm tiếp theo.

Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất đối với các hãng hàng không Việt Nam trong năm 2023 chính là duy trì được dòng tiền để chờ đợi thị trường phục hồi hoàn toàn vào giai đoạn cuối năm.

Nhận định này là có cơ sở, bởi sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành hàng không Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách từ sự biến động giá xăng dầu thế giới (do xung đột vũ trang Nga - Ukraine) cùng biến động tỷ giá.

Trong đó, việc chi phí nhiên liệu bay vẫn đang duy trì ở mức hơn 100 USD/thùng, gấp rưỡi so với mức giá trung bình năm 2019, đã dẫn đến sụt giảm nghiêm trọng về dòng tiền, cân đối tài chính và lợi nhuận của các hãng hàng không Việt Nam. Ngoài ra, các hãng cũng đang chịu ảnh hưởng rất lớn về nguồn vốn lưu động đến từ những diễn biến xấu liên quan đến thị trường bất động sản, thị trường tài chính, tín dụng.

“Trong bối cảnh đó, các hãng hàng không Việt Nam vẫn cần sự tiếp sức, hỗ trợ từ phía Chính phủ, đặc biệt là việc tiếp tục giảm một số loại phí, lệ phí, cũng như việc tiếp cận các khoản vay mới với lãi suất ưu đãi”, ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam khuyến nghị.

Ngày 6/12/2022, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đưa ra một số nhận định lớn về năm 2023 - 2024 như sau:

- Dự kiến đến năm 2024, sản lượng khách mới hồi phục hoàn toàn như năm 2019.

- Tốc độ phục hồi của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là chậm nhất trong các khu vực.

- Doanh thu khách trung bình có xu hướng tăng, doanh thu hàng trung bình có xu hướng giảm, nhưng vẫn cao hơn 2019.

- Toàn ngành hàng không thế giới bắt đầu có lãi trong năm 2023, tuy nhiên, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn lỗ và có hiệu quả kém nhất trên thế giới (ước tính lỗ 6,6 tỷ USD).

Tin bài liên quan