Tiếp cận thông tin tài chính doanh nghiệp, đã có tiến bộ nhưng chưa đủ với nhà đầu tư ngoại

Tiếp cận thông tin tài chính doanh nghiệp, đã có tiến bộ nhưng chưa đủ với nhà đầu tư ngoại

(ĐTCK) Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, việc áp dụng dữ liệu và cơ sở dữ liệu trong ngân hàng và các định chế tài chính không chỉ góp phần quản trị rủi ro, mà còn góp phần cải thiện lợi nhuận tổng thể cũng như trên mỗi khách hàng.

Ngày 11/1, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách Quản trị rủi ro tín dụng trong thương mại và đầu tư” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì và phối hợp với Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia CIC và Công ty Cổ phần StoxPlus.

Phát biểu tại hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải cho biết, các giải pháp về ứng dụng phân tích dữ liệu và công nghệ quản trị rủi ro được thảo luận tại hội thảo sẽ góp phần phục vụ công tác quản trị rủi ro của các ngân hàng và các doanh nghiệp. Đồng thời, có ý nghĩa quan trọng đối với nhà đầu tư nước ngoài trong việc xem xét đầu tư vốn vào các doanh nghiệp Việt Nam.

Tiếp cận thông tin tài chính doanh nghiệp, đã có tiến bộ nhưng chưa đủ với nhà đầu tư ngoại ảnh 1

 Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải phát biểu tại hội thảo

Hiện nay, theo khảo sát của Grant Thornton năm 2017, vấn đề khó tiếp cận thông tin tài chính, thông tin hoạt động về doanh nghiệp Việt Nam là 1 trong 5 vấn đề nổi cộm trong quá trình tìm hiểu và đánh giá cơ hội đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài.

Một trong những nội dung được quan tâm tại hội thảo là vấn đề chất lượng thông tin tài chính doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong quản trị rủi ro.

Với các tổ chức tín dụng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh nhìn nhận, quản trị rủi ro tín dụng nói chung và cho các tổ chức tín dụng nói riêng là yếu tố sống còn của mỗi tổ chức tín dụng và đối với sự phát triển lành mạnh và an toàn của hệ thống ngân hàng nói chung.

Theo Phó thống đốc, quản trị rủi ro trong hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam và sự cần thiết của cơ sở dữ liệu đối với việc triển khai các giải pháp quản trị rủi ro tín dụng là hai vấn đề được Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành đang nỗ lực triển khai trong thời gian gần đây.

Việc ứng dụng dữ liệu, phân tích dữ liệu lớn và áp dụng các công nghệ dữ liệu tiên tiến vào hoạt động kinh doanh cũng là xu thế và là một phần của kỷ nguyên số và riêng với ngành tài chính ngân hàng, thì đó là yếu tố then chốt trong xu hướng ngân hàng số cũng như cải tiến mô hình hoạt động của mô hình ngân hàng truyền thống.

Ông Nguyễn Kim Anh phân tích, việc áp dụng dữ liệu và cơ sở dữ liệu trong ngân hàng và các định chế tài chính không chỉ góp phần quản trị rủi ro, mà còn góp phần cải thiện lợi nhuận tổng thể cũng như trên mỗi khách hàng nhờ có được các phân tích chính xác, dự báo tin cậy hơn và giúp đưa ra các quyết định đúng đắn hơn nhất là trong thời kỳ cạnh tranh khốc liệt của ngành.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc StoxPlus, việc sử dụng dữ liệu và công cụ phân tích tài chính là thiết yếu cho bất kỳ mô hình quản trị rủi ro nào. Tuy nhiên, dữ liệu tài chính ở Việt Nam vẫn chưa đạt đủ chất lượng để có thể dùng trong các mô hình quản trị rủi ro.

Trong khi đó, hệ thống hai sổ sách kế toán là một thực trạng phổ biến tại Việt Nam, điều này gây khó khăn trong việc đánh giá rủi ro cho đối tác.

Tiếp cận thông tin tài chính doanh nghiệp, đã có tiến bộ nhưng chưa đủ với nhà đầu tư ngoại ảnh 2

 Cơ sở dữ liệu và chất lượng báo cáo tài chính là những nội dung được các diễn giả nhấn mạnh trong việc nâng cao quản trị rủi ro tín dụng

Tại hội thảo, các chuyên gia kiến nghị, cần tăng cường tính minh bạch thông tin doanh nghiệp và cơ quan quản lý có biện pháp quản lý chặt hơn nữa về hệ thống báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, CIC đưa ra một thực trạng, có những doanh nghiệp có đến 4 báo cáo tài chính khác nhau và cần phải quản lý chặt hơn trong việc này. Ông Tuấn nhấn mạnh, chất lượng báo cáo tài chính ảnh hưởng đến việc đánh giá rủi ro doanh nghiệp nên cần được chú trọng và chặt chẽ hơn.  

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam và kỷ nguyên số hóa đang diễn ra mạnh mẽ, xu hướng phân tích dữ liệu lớn đang trở lên phổ biến thì dòng chảy thông tin cũng như cải thiện môi trường thông tin và cơ sở dữ liệu nói chung ở Việt Nam là yếu tố quan trọng nhằm giải quyết nhiều vấn đề trong quản lý và cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong kỷ nguyên số hóa.

Việt Nam là nước có nền kinh tế có độ mở bậc nhất trên thế giới với kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm GDP ở mức rất cao, ở mức 187% trong năm 2017 vừa qua. Trong điều kiện kinh tế mở đó, hoạt động thương mại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới có sự đóng góp lớn cho phát triển kinh tế Việt Nam trong suốt những năm qua. 

Tuy nhiên, môi trường đầu tư tại Việt Nam cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung và cho các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng vẫn còn phải cải thiện. T

heo báo cáo khảo sát của Ngân hàng Thế giới mới nhất 2017, Việt Nam xếp thứ 68 trong tổng số 190 quốc gia và vùng lãnh thổ về “sự thuận tiện trong kinh doanh”.

Mặc dù có sự cải thiện đáng kể từ vị trí 80 vào năm 2016 lên 68, nhưng nhiều yếu tố về môi trường kinh doanh vẫn cần phải cải thiện trong đó có vấn đề đơn giản hóa hơn nữa thủ tục thành lập doanh nghiệp, giấy phép xây dựng, tiếp cận tín dụng, và sự thuận tiện của thương mại xuyên biên giới.

Tin bài liên quan