Từ Luật Doanh nghiệp 2005 đến Luật Doanh nghiệp 2014, quy định về các quyền của cổ đông phổ thông có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh mối quan hệ giữa cổ đông và công ty. Tuy nhiên, ngoài một số quyền “phổ thông” như dự họp, phát biểu thảo luận trong cuộc họp đại hội cổ đông, đề cử ứng viên tham gia hội đồng quản trị, ban kiểm soát (khi sở hữu đủ tỷ lệ cần thiết)..., nhiều quyền khác không phải lúc nào cũng được vận dụng, bởi có muốn thực hiện cũng khó.
Đơn cử trường hợp ông Nguyễn Đại L. (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) khởi kiện đề nghị tòa án buộc CTCP Cung ứng Dịch vụ Hàng không Airserco phải cung cấp các văn bản tài liệu bao gồm báo cáo tài chính, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, báo cáo Hội đồng quản trị, báo cáo ban kiểm soát... của các năm 2015, 2016.
Ông Nguyễn Đại L. là cổ đông sở hữu 5% vốn điều lệ của Airserco. Theo quy định tại Điều 114, Luật Doanh nghiệp về quyền của cổ đông, ông được xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm, hàng năm và các báo cáo của Ban Kiểm soát.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 170, Luật Doanh nghiệp, báo cáo và tài liệu do Hội đồng quản trị chuẩn bị, báo cáo thẩm định của Ban Kiểm soát và Báo cáo kiểm toán phải có ở trụ sở chính và chi nhánh của công ty chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc cuộc họp thường niên của đại hội đồng cổ đông.
Cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục ít nhất 1 năm có quyền tự mình hoặc cùng với luật sư hoặc kế toán và kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề trực tiếp xem xét các báo cáo quy định tại điều này trong thời gian hợp lý. Mặc dù vậy, ông L. vẫn không nhận được bất kỳ tại liệu nào từ Công ty sau nhiều lần yêu cầu. Cho rằng việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến minh bạch thông tin của doanh nghiệp, ảnh hưởng quyền và lợi ích của mình, ông L. đã khởi kiện ra tòa.
Trong quá trình giải quyết vụ án, dù tòa án triệu tập nhiều lần, nhưng Công ty thường vắng mặt, cũng không có ý kiến bằng văn bản. Đến tháng 4/2008, Airserco mới có công văn cung cấp cho tòa án một số tài liệu như báo cáo tài chính; báo cáo đánh giá công tác quản lý điều hành; báo cáo Hội đồng quản trị các năm 2015, 2016; bảng kê nộp thuế; Điều lệ Công ty... Công ty cho rằng các tài liệu này đều đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Công ty.
Vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, Công ty đã đồng ý cho cổ đông cùng với luật sư hoặc kiểm toán viên xem xét các báo cáo và cam kết sẽ bố trí cán bộ tạo điều kiện cho nguyên đơn được xem các tài liệu.
Ngay cả khi bản án có hiệu lực pháp luật, quyền của cổ đông vẫn bị phớt lờ.
Phiên tòa kết thúc với những quyền của cổ đông được chấp nhận thực thi, nhưng có độ trễ đến vài năm, khi mà yêu cầu được xem tài liệu được đưa ra từ năm 2017. Tuy nhiên, có những trường hợp, ngay cả khi bản án có hiệu lực pháp luật, quyền của cổ đông vẫn bị phớt lờ như trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Long, thành viên Hội đồng quản trị CTCP Công trình Vận tải, sau 4 tháng bản án có hiệu lực, ông vẫn không được cung cấp các tài liệu.
Được biết, ông Nguyễn Ngọc Long là cổ đông sở hữu 16,7% vốn điều lệ, là ủy viên Hội đồng quản trị Công ty. Năm 2016, Công ty không tổ chức họp Hội đồng quản trị nên ông Long có văn gửi yêu cầu Tổng giám đốc cung cấp các thông tin, hồ sơ, tài liệu về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất - kinh doanh Công ty nhưng bị từ chối. Thấy có dấu hiệu không minh bạch, ông gửi đơn yêu cầu Ban Kiểm soát Công ty kiểm tra các vấn đề về quản lý, điều hành hoạt động Công ty nhưng không nhận được phản hồi. Cuối cùng, ông Long đã khởi kiện ra tòa.
Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên buộc CTCP Công trình vận tải phải có nghĩa vụ cung cấp các thông tin, tài liệu về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của Công ty và các đơn vị thành viên theo nội dung, trình tự, thủ tục, quy định tại Điều 9 - Quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị Công ty. Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực, ông Long đã yêu cầu nhưng vẫn chưa được Công ty cung cấp.
Về nguyên tắc, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, cổ đông có thể làm đơn đề nghị thi hành án gửi tới cơ quan thi hành án dân sự. Trên cơ sở này, cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định thi hành án và gửi tới cơ quan chức năng có liên quan. Nếu đương sự không chấp hành, cơ quan thi hành án sẽ tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên, cho đến nay, pháp luật chưa có quy định về việc cưỡng chế chủ tịch hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật của công ty xuất trình tài liệu nên cơ quan thi hành án cũng gặp khó.