Tiền VND lại thiếu nặng

Tiền VND lại thiếu nặng

(ĐTCK-online) Thị trường liên ngân hàng tại Việt Nam lại lập kỷ lục một lần nữa khi lãi suất cho vay qua đêm vọt lên đến trên 20%/năm vào ngày thứ Tư vừa rồi, phản ánh một thực trạng bi đát về tính thanh khoản của thị trường cũng như việc thiếu tiền đồng nghiêm trọng do quyết định tăng dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào dịp giáp Tết. Đặc biệt, khi nhu cầu rút tiền của doanh nghiệp và dân cư trong dịp Tết Nguyên đán này tăng cao, tình hình càng trầm trọng hơn, một số ngân hàng đã khó khăn thực sự trong đáp ứng nhu cầu chi trả.

Cách đây đúng hai tháng, khi NHNN tiếp tục thực hiện chính sách hạn chế lưu thông tiền đồng để thực hiện giảm lạm phát, cộng với việc quản lý thanh khoản một số ngân hàng lớn có vấn đề đã từng khiến cho thị trường liên ngân hàng lập nên một kỷ lục với mức lãi suất chưa từng có trong lịch sử là 17%/năm(thứ Tư, 21/11/2007). Nhưng so với thời điểm này, mức lãi suất đó chưa "thấm vào đâu".

Trên thực tế, lãi suất liên ngân hàng bắt đầu "nóng" vào cuối tuần trước khi vào thời điểm cuối tuần, lãi suất tăng lên lần lượt từ 11%/năm rồi 12,6%/năm rồi13%/năm và 14%/năm, qua các phiên của thị trường mở. Mức tăng này chủ yếu do các ngân hàng thương mại cổ phần chào vay, thay vì ngân hàng thương mại nhà nước như cách đây hai tháng. Mặc dù liên tục chào vay với lãi suất cao, nhưng các ngân hàng còn dư vốn khả dụng vẫn không cung cấp đủ số tiền cần vay khiến lãi suất tiếp tục được đẩy lên, và chính thức vượt ngưỡng 20% vào ngày thứ Tư (30/1/2008).

Ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược chính sách, Ngân hàng Nhà nước

Lãi suất qua đêm căng thẳng

Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng hôm 30/1 lên tới 25%, nguyên nhân khan hiếm tiền đồng do nhu cầu của cả doanh nghiệp và cá nhân tăng rất cao; đơn cử có một vài ngân hàng tại TP. HCM, khách hàng cá nhân rút tới vài chục tỷ đồng. Bản thân NHNN phải can thiệp bằng cách bơm thêm tiền đồng ra thị trường. Năm nào nhu cầu vốn vào cuối năm cũng tăng mạnh, nhưng lãi suất qua đêm không quá căng thẳng như năm nay. Hiện tại, ngân hàng quốc doanh chưa quá khó khăn, nhưng đã có ngân hàng thương mại cổ phần ở trong tình huống khá nguy hiểm, kêu trời vì thiếu tiền chi trả.

Theo một lãnh đạo của ngân hàng thương mại nhà nước, mặc dù NHNN đã mở hai phiên giao dịch thị trường mở hàng ngày để bơm vốn ra thị trường nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của ngân hàng. NHNN cho biết sẽ tiếp tục bơm vốn tiền đồng ra cho các ngân hàng từ nay tới sát Tết Nguyên đán, hiện NHNN đã sử dụng công cụ hoán đổi ngoại tệ (SWAP), cho phép các ngân hàng hoán đổi ngoại tệ lấy VND để chi trả.

Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, nguyên nhân của việc tăng lãi suất trên thị trường này là do tình trạng khan hiếm tiền đồng của các ngân hàng, nhằm vừa thực hiện yêu cầu mới của NHNN về tăng dự trữ bắt buộc vào cuối tháng, nhu cầu tiền mặt chi tiêu vào dịp Tết và cả nhu cầu bán USD của các doanh nghiệp xuất khẩu để lấy VND về.

Tính riêng trong việc tăng dự trữ bắt buộc từ 10% lên 11% đã hút của bốn ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất thị trường hiện nay khoảng hơn 4.000 tỷ đồng, chưa kể các ngân hàng thương mại cổ phần.

"Chúng tôi đã dự báo trước về tình hình khan hiếm tiền đồng cách đây hơn 2 tuần, và lãi suất đang ở mức 9%/năm tại thời điểm đó. Tuy nhiên, ngay cả chúng tôi cũng không có cách nào xử lý trước được," vị lãnh đạo trên cho biết.

Việc thiếu hụt VND còn tác động lên cả tỷ giá và TTCK, nguyên nhân là do các ngân hàng thiếu VND để mua USD. Theo một số dự báo, VND sẽ tiếp tục tăng giá so với USD tức là tỷ giá còn giảm và có thể ở mức 15.500 đồng/USD vào thời gian giáp Tết này. Tỷ giá sụt nhanh khiến nhà ĐTNN khi giải ngân cũng bị thiệt hại khi chuyển đổi từ USD sang VND để đầu tư.

Theo số liệu các ngân hàng thương mại nhà nước, tại thời điểm ngày thứ Tư, tỷ giá niêm yết là 15.900 đồng/1USD, tuy nhiên tỷ giá mua vào thực tế là 15.700 đồng/1USD. Đây là mức xa kỷ lục giữa tỷ giá niêm yết và tỷ giá thực hiện tại Việt Nam . Như vậy, hiện nay nếu giữ 1 triệu USD, các nhà xuất khẩu Việt Nam và nhà ĐTNN đang bị mất 200 triệu đồng nếu chuyển sang VND vào thời điểm này.

"Tôi chưa từng chứng kiến một mức cách xa thế trong lịch sử, giữa tỷ giá niêm yết và tỷ giá thực hiện vì chưa từng bao giờ có giao dịch ở thời kỳ nào mà tỷ giá còn thấp hơn cả giá sàn, thay vì trước đây tỷ giá lại thường cao hơn giá trần", một lãnh đạo ngân hàng cho biết.