Đẩy mạnh kênh kê đơn
Đại hội đồng cổ đông bất thường Traphaco diễn ra cuối tháng 9/2019 đã thông qua việc giảm chỉ tiêu kinh doanh 2019. Doanh thu hợp nhất theo kế hoạch mới chỉ còn 1.850 tỷ đồng (kế hoạch cũ là 2.160 tỷ đồng), lợi nhuận hợp nhất theo kế hoạch mới là 170 tỷ đồng (kế hoạch cũ là 205 tỷ đồng).
Trong nội dung đánh giá về thị trường dược nói chung, ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Traphaco cho biết, thị trường bán tại quầy (OTC) của ngành dược phẩm trong quý II/2019 giảm 1,9% so với quý trước. Trong khi đó, đây là lĩnh vực chính của Công ty.
Các sản phẩm có thương hiệu mạnh tuy vẫn tăng trưởng 3%, nhưng các sản phẩm ở nhóm khác hầu như không tăng trưởng, dẫn đến sự tăng trưởng chung của thị trường OTC bị đình trệ.
Trước bối cảnh đó, Traphaco cho biết, đã xây dựng kế hoạch của Công ty và của từng bộ phận. Trong đó, một trong những giải pháp là thành lập phòng bán hàng bệnh viện và xây dựng các giải pháp thúc đẩy kênh bán thuốc kê đơn (ETC).
Trong mảng phân phối, doanh nghiệp này cũng kỳ vọng vào các kế hoạch hợp tác với đối tác Daewoong. Trên cơ sở đó, Traphaco sẽ đàm phán với một số công ty dược phẩm lớn trên thế giới về phân phối sản phẩm, đa dạng hóa danh mục sản phẩm phân phối.
Việc Công ty bầu bổ sung một chuyên gia người nước ngoài - ông Ji Chang Won vào HĐQT cũng phần nào thể hiện kỳ vọng vào các kênh hợp tác quốc tế.
Theo đó, thành viên mới của HĐQT Traphaco mang quốc tịch Hàn Quốc, đã trải qua các vị trí công tác trong các tập đoàn dược Hàn Quốc như LG, Saehan, Schering Co., Ltd, JW… và hiện là Giám đốc sản xuất Tập đoàn dược phẩm Daewoong (Hàn Quốc).
Cảnh báo công nợ
Việc công phá kênh ETC là hướng đi hợp lý nhằm mở rộng thị trường, nhưng cũng hàm chứa rủi ro gia tăng công nợ, bởi kênh bán hàng ETC thường dễ phát sinh nợ nần dây dưa nhiều hơn so với kênh OTC.
Thực tế, một số con số từ báo cáo tài chính bán niên 2019 cho thấy, mặc dù doanh thu của Traphaco sụt giảm, nhưng các khoản công nợ lại có tín hiệu tăng. Các khoản phải thu ngắn hạn tại thời điểm 30/6/2019 là 185 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với thời điểm đầu năm.
Lý do chính làm tăng các khoản phải thu ngắn hạn chính là các khoản phải thu khách hàng, con số này là 144 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm.
Điều đáng chú ý là, dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn đã có chiều hướng tăng mạnh từ 3,5 tỷ đồng lên 6,4 tỷ đồng (tăng 83%).
Thực tế, con số dự phòng phải thu ngắn hạn tuy mới chiếm khoảng 0,8% doanh thu, nhưng sự tăng vọt về tỷ lệ so với kỳ trước cũng là một dấu hiệu cảnh báo Công ty cần “để mắt” đến con số này trong thời gian tới.
Ngoài ra, trong các khoản nợ xấu của Traphaco, bên cạnh nợ xấu của các tổ chức, còn có một số khoản nợ xấu của cá nhân.
Traphaco cho biết, nguyên tắc trích lập dự phòng nợ xấu được Công ty thực hiện theo quy định tại Thông tư số 228/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính. Giá trị có thể thu hồi của khoản nợ xấu được xác định bằng giá gốc của các khoản công nợ trừ đi giá trị dự phòng.