Tiến tới bầu cử Quốc hội khóa XV: Chọn mặt gửi vàng

0:00 / 0:00
0:00
Trên trang tin của Hội đồng Bầu cử quốc gia, đồng hồ đang đếm ngược về sự kiện: ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Sáng 23/5/2021, cử tri cả nước sẽ chọn ra 500 đại biểu Quốc hội, 268.890 đại biểu hội đồng nhân dân các cấp được bầu theo luật định làm người đại diện cho mình.

Sáng 23/5/2021, cử tri cả nước sẽ chọn ra 500 đại biểu Quốc hội, 268.890 đại biểu hội đồng nhân dân các cấp được bầu theo luật định làm người đại diện cho mình.

Bắt đầu từ 7h sáng 23/5/2021, cử tri cả nước sẽ “chọn mặt gửi vàng”, chọn ra 500 đại biểu Quốc hội, 268.890 đại biểu hội đồng nhân dân các cấp được bầu theo luật định làm người đại diện cho mình.

Nêu những con số này để thấy, việc “chọn mặt gửi vàng” với cử tri là không hề dễ, bởi để yên tâm lựa chọn, thì điều quan trọng là phải hiểu biết về các ứng cử viên ở đơn vị bầu cử nơi mình bỏ phiếu.

Với Quốc hội, mỗi cử tri sẽ lựa chọn từ 5 ứng viên để bầu 3 đại biểu hoặc 4 ứng viên để bầu 2 đại biểu, tuỳ đơn vị bầu cử. Cá biệt, có 2 đơn vị bầu cử do rút tên ứng viên sau khi đã công bố danh sách chính thức, nên chỉ có 3 ứng viên để bầu 2 đại biểu.

Một điểm khá thuận lợi là trong 866 ứng viên đại biểu Quốc hội, có 204 người là đại biểu Quốc hội khoá XIV tái cử.

Trong số này, không ít người đã tham gia Quốc hội trên 2 khóa (10 năm), một số vị đã có mặt ở nghị trường liên tục 20-25 năm, người ít nhất cũng đã có gần trọn 5 năm làm đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước.

Với số lượng các phiên truyền hình trực tiếp hoạt động của Quốc hội ngày càng tăng, nếu các đại biểu tích cực tham gia phát biểu, thảo luận, tranh luận tại nghị trường, thì hình ảnh và tiếng nói dễ dàng đến với cử tri cả nước. Đó là lợi thế của những người tái cử.

Còn với 662 người ứng cử lần đầu, nếu không tham gia trực tiếp các cuộc tiếp xúc vận động bầu cử của họ, thì cử tri cũng không khó để tìm hiểu thông tin về họ, bao gồm cả chương trình hành động nếu trúng cử đại biểu Quốc hội được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên cổng thông tin điện tử của nhiều địa phương. Tại nhiều khu dân cư, tiểu sử tóm tắt của các ứng viên được gửi tới từng hộ gia đình.

Và, qua mạng xã hội, cử tri là văn nghệ sĩ quan tâm chia sẻ với nhau thông tin về một số ứng viên trong giới. Tương tự, cử tri là chuyên gia kinh tế lan tỏa chương trình hành động của ứng viên là chuyên gia... Sự tương tác qua phương tiện này cũng khiến các ứng viên không quá xa lạ với cử tri, dù họ ứng cử ở đâu và đang làm nghề gì.

Hiểu biết cặn kẽ về ứng viên, đương nhiên rất cần. Nhưng để chọn mặt gửi vàng, cao hơn, là để giám sát được người mình đã chọn sẽ thực hiện chương trình đã cam kết như thế nào, có giữ trọn lời hứa với nhân dân hay không, thì điều không kém phần quan trọng là phải tự tay mình đi bỏ phiếu.

Có tấm thẻ cử tri, nhưng không tìm hiểu gì về ứng viên, cũng không trực tiếp đi bỏ phiếu, đó là chưa làm tròn trách nhiệm với đất nước, với chính bản thân và gia đình mình. Còn đã tìm hiểu thật kỹ về các ứng viên, mà để người khác đi bỏ phiếu thay thì cũng là vô nghĩa.

Trực tiếp bỏ phiếu bầu, nếu chưa có nhiều thời gian tìm hiểu trước về các ứng viên, thì mỗi cử tri cũng có thể hiểu biết ứng cử viên sâu hơn qua tài liệu được công khai tại địa điểm bỏ phiếu. Khi ấy “chọn mặt gửi vàng” sẽ không chỉ là câu thành ngữ được nói theo thói quen, mà sự tin cậy thực sự được gửi vào lá phiếu.

Ngày hội của toàn dân đã đến rất gần, những lá phiếu trực tiếp chọn người xứng đáng đại diện cho nhân dân không chỉ là trách nhiệm, mà còn là quyền lợi của cử tri, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền và dân chủ.

Tin bài liên quan