Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, kết thúc năm 2018, Ngân hàng đạt hơn 2.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nếu tính lợi nhuận trước trích lập dự phòng, con số sẽ cao hơn nhiều. Thực tế, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2018 của OCB tăng 133% so với cùng kỳ năm trước khi đạt 1.846 tỷ đồng, nhưng nợ xấu cũng tăng vọt.
Vì thế, Ngân hàng chi nhiều hơn cho chi phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro, khiến chi phí dự phòng rủi ro năm 2018 tăng gấp rưỡi lên 548 tỷ đồng. Ngân hàng hiện còn nắm giữ 242 tỷ đồng trái phiếu của VAMC, giảm 67% so với thời điểm đầu năm, trong đó, trích lập dự phòng 154 tỷ đồng.
Nợ xấu tại TPBank đến cuối năm 2018 là 861 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,09% lên 1,12%. Nhà băng này còn nắm giữ hơn 756 tỷ đồng chứng khoán nợ do VAMC phát hành sau khi mua lại các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC và sử dụng quỹ dự phòng đã trích để xóa nợ trong năm 2018. Tuy nhiên, kết thúc năm 2018, lợi nhuận trước thuế TPBank vẫn đạt 2.258 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.
Phó tổng giám đốc Eximbank, ông Nguyễn Cảnh Vinh cho biết, mức lợi nhuận trước dự phòng Ngân hàng ước thu về cả năm qua là 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau trích lập dự phòng, con số lợi nhuận trước thuế còn lại không nhiều.
Tương tự, tại Kienlongbank, lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 300 tỷ đồng, dù con số lợi nhuận trước thuế, trước trích lập dự phòng rủi ro cao hơn mức trên. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng đến cuối năm 2018 được kiểm soát dưới mức 1%.
Đáng chú ý, năm 2018, Vietinbank chỉ đạt hơn 6.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tuy vượt 2% so với kế hoạch điều chỉnh, nhưng giảm mạnh so với kết quả 9.200 tỷ đồng năm 2017. Nguyên nhân là tăng trưởng tín dụng của VietinBank năm 2018 chỉ ở mức 6,1% do việc tăng vốn điều lệ chưa kịp với kế hoạch và nhà băng phải trích lập dự phòng rủi ro cao.
Cụ thể, dù chưa công bố chi phí dự phòng rủi ro cả năm qua, nhưng riêng quý cuối năm 2018, chi phí dự phòng của Vietinbank tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, khiến lợi nhuận trước thuế quý IV/2018 của Ngân hàng chỉ đạt 2.330 tỷ đồng, giảm 3,7%.
Số liệu vừa công bố của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, giá trị xử lý nợ xấu năm 2018 của các nhà băng tăng khoảng 30% so với năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ so với cuối năm 2017 (2,5%), ở mức 2,4%.
Dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1%, trong khi tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo cải thiện lên mức 78,2% (năm 2017: 65,4%), nhưng không bao gồm nợ xấu đã bán cho VAMC.
Lãnh đạo các ngân hàng cho hay, mặc dù lợi nhuận năm vừa qua đạt được ở mức tích cực so với những năm trước, nhưng phải dành một phần để trích lập dự phòng rủi ro theo quy định, cũng như đảm bảo an toàn trong hoạt động. Khoản dự phòng này được xem là “của để dành”, nếu trong năm tới xử lý được nợ xấu sẽ hoàn nhập vào lợi nhuận.
Trên thực tế, việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng đã phần nào được tháo gỡ kể từ khi có Nghị quyết 42, song chưa thể đẩy nhanh như kỳ vọng. Do đó, cách tốt nhất xử lý nợ xấu là ngân hàng phải chủ động trích lập dự phòng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, có một số vướng mắc cần tháo gỡ để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình xử lý nợ xấu. Chẳng hạn, nhiều quốc gia trên thế giới cho phép ngân hàng mua lại tài sản là nợ xấu để xóa nợ nhanh. Khi đó, ngân hàng được phép mua lại tài sản bất động sản từ nợ xấu, có thể bán đi bất kỳ lúc nào, cho bất kỳ ai một cách nhanh chóng mà không cần đấu thầu.