Những điều gì đã thay đổi trong vài thập kỷ qua?
Hãy nói về lĩnh vực vận tải, 20 năm trước, xe hơi không người lái là một câu chuyện viễn tưởng. Thế nhưng, câu chuyện viễn tưởng ngày hôm đó đang được hiện thực hóa bằng những khoản đầu tư khủng và các công trình nghiên cứu của hàng loạt ông lớn công nghệ như Tesla, Waymo hay Uber.
Bà Nguyễn Thuỳ Dương
Sự ra đời của các “chiến binh xe bay” như Transition của Terrafugia, Pop.Up Next của liên minh Audi, Airbus và Italdesign được xem là bằng chứng cho việc chuyển hóa các ý tưởng tưởng chừng như viển vông trong quá khứ thành hiện thực.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp bán lẻ và công nghệ thanh toán cũng đang được “thay áo” bởi sự ra mắt của Amazon Go, chuỗi cửa hàng tiện lợi không quầy tính tiền cùng những trang bị công nghệ mua sắm hiện đại nhất thế giới.
Sự ra đời của Amazon Go đã đưa trải nghiệm mua sắm của con người lên một tầm cao mới, thoát khỏi những quan niệm về các cửa hàng truyền thống và hứa hẹn sẽ tạo nên một làn sóng đổi mới mạnh mẽ trong ngành bán lẻ tiêu dùng.
Lĩnh vực tài chính ngân hàng liệu có miễn nhiễm với các tác động của công nghệ?
Xu thế số hóa mạnh mẽ buộc ngành tài chính ngân hàng phải chuyển mình đổi mới để theo kịp thời đại, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau hoặc bị đào thải. Hơn nữa, khách hàng thời nay lựa chọn đồng hành cùng một ngân hàng không những dựa trên sản phẩm hay dịch vụ lõi của ngân hàng ấy, mà họ còn kỳ vọng vào trải nghiệm mới mẻ, cũng như những tiện ích mà các ứng dụng công nghệ của ngân hàng mang lại.
Theo báo cáo phân tích về “Triển vọng ngành ngân hàng toàn cầu 2018” của Ernst & Young, có đến 85% các ngân hàng đặt mục tiêu chuyển đổi số hóa lên hàng đầu trong 221 định chế tài chính trên 29 thị trường được khảo sát.
Đa phần các ngân hàng được khảo sát tin rằng, đầu tư vào công nghệ sẽ giúp họ có được những lợi thế cạnh tranh nhất định trong việc thiết lập và mở rộng thị trường trong tương lai gần. Công nghệ mà các ông lớn ngân hàng trên thế giới tập trung đầu tư phải kể đến là Dữ liệu và Phân tích dữ liệu (Data and Analytics), Trí tuệ nhân tạo (AI) và Giao diện lập trình ứng dụng (API).
Các công nghệ như Data & Analytics, API và AI được kỳ vọng mang lại giá trị mới cho các ngân hàng
Trong kỷ nguyên số hiện nay, dữ liệu (Data) trở thành tài sản quý nhất của các doanh nghiệp, cũng như ngân hàng. Việc sở hữu, gia tăng và phân tích dữ liệu làm thay đổi bản chất của cạnh tranh.
Phân tích dữ liệu hiệu quả giúp ngân hàng cải thiện các dự báo, dự đoán về nhu cầu của khách hàng để có chiến lược kinh doanh phù hợp, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, quản trị rủi ro và quản trị hiệu suất.
Các ngân hàng đang sở hữu một nguồn dữ liệu với số lượng và dung lượng ngày một cao hơn, tính chất dữ liệu ngày càng đa dạng và phức tạp mà nếu được khai thác một cách hợp lý sẽ trở thành một trong những lợi thế cạnh tranh, giúp ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn so với các đối thủ khác trên thị trường.
Vì thế, bài toán đặt ra cho các ngân hàng hiện nay, đặc biệt trong thời điểm chuyển đổi công nghệ số đang được thực hiện tích cực là làm cách nào để có thể phân tích, khai thác và chuyển hóa dữ liệu một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
Tại Úc, Ngân hàng Quốc gia Úc (NAB) đã tận dụng sức mạnh của công nghệ dữ liệu để đẩy mạnh xu hướng cá nhân hóa sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Đại diện NAB cho biết, thông qua việc sử dụng công nghệ dữ liệu một cách hiệu quả, NAB sẽ luôn mang lại những trải nghiệm độc đáo nhất, nhu cầu của khách hàng được đáp ứng đến từng khoảnh khắc trong cuộc sống của họ.
Cũng như NAB, một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất Đông Âu, Erste Group, đã hợp tác với công ty công nghệ hàng đầu thế giới Oracle để triển khai công nghệ phân tích dữ liệu trên nền tảng đám mây, hướng đến mục tiêu mang lại giá trị cao nhất cho mỗi khách hàng của Erste Group.
Công nghệ AI cũng giúp ngân hàng tạo ra nhiều giá trị từ dữ liệu. Các ngân hàng lớn không chỉ ứng dụng AI trong Quản lý tài sản (Wealth Management) thông qua mô hình robo-advsiors, mà còn sử dụng AI trong quản trị rủi ro, đặc biệt trong nghiệp vụ phòng chống rửa tiền, gian lận và tội phạm tài chính.
Thuật toán phát hiện bất thường của AI giúp các ngân hàng nhanh chóng xác định các giao dịch tài chính gian lận và mức độ rủi ro trong phạm vi dữ liệu khách hàng vô cùng lớn.
Theo nhà toán học Martin Markiewicz, người sáng lập startup
Slient Eight, một trong những FinTech hàng đầu ở Singapore, AI sẽ làm tốt hơn các biện pháp mà ngân hàng đang sử dụng. Việc kiểm tra hàng triệu giao dịch bất thường một cách thủ công là rất không hiệu quả và gián tiếp tạo ra các lỗ hổng trong hệ thống quản trị rủi ro. Đặc biệt, trong xu hướng toàn cầu hóa, khi dữ liệu không những được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, mà còn liên quan tới các quốc gia và tổ chức quốc tế.
Ngân hàng Standard Charterted là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc áp dụng AI trong phòng chống tội phạm tài chính. Năm 2018, ngân hàng này đã công bố việc triển khai công nghệ của Silient Eight để sàng lọc các khách hàng có nguy cơ rủi ro cao.
Bên cạnh đó, công nghệ API/API mở (open API) đã và đang tạo ra nhiều cơ hội tạo dựng quan hệ đối tác với việc cho phép các ngân hàng khai thác dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau và kết hợp các dữ liệu này thông qua môi trường mở. Việc này thúc đẩy các sáng kiến đổi mới để tạo ra giá trị kinh doanh của ngân hàng, xây dựng hệ sinh thái không giới hạn, tạo nên một trải nghiệm dịch vụ ngân hàng liền mạch cho người dùng.
Một trong số những ngân hàng tiên phong sử dụng công nghệ API mở trong khu vực bao gồm Citibank, Ngân hàng OverseasChinese (OCBC) tại Singapore, NAB và tại Ấn Độ là Ngân hàng DBS.
Ngân hàng OCBC cho ra mắt cổng phát triển của mình với một loạt các API, bao gồm từ số dư tài khoản đến chi tiết sản phẩm, trạng thái giao dịch và các công cụ tính toán, cho phép các nhà phát triển tích hợp các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng của OCBC vào các giải pháp của họ.
Ngân hàng chủ động hơn trong cuộc chiến sáng tạo với FinTech
Có thể thấy, các ngân hàng trên thế giới đang chủ động hơn trong cuộc chiến số hóa ngày càng khốc liệt. Theo báo cáo của Ersnt & Young, trung bình 37% các ngân hàng khảo sát đã lựa chọn chiến lược tự xây dựng phát triển công nghệ cho mình (in-house development).
Cũng theo số liệu mới nhất của UBS trên Tạp chí Forbes, “ông lớn” JPMorgan có kế hoạch đầu tư nhiều nhất vào mảng công nghệ thông tin trong năm 2019 (dự đoán khoảng 11,4 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2018). Kế đến là Bank of America với số tiền dự kiến đầu tư lên đến 10 tỷ USD. Hai ngân hàng theo sau là Wells Fargo và Citigroup với dự kiến chi tiêu lần lượt là 9 tỷ và 8 tỷ USD.
Các ngân hàng lớn trên thế giới đã và đang xây dựng riêng cho họ những phòng thí nghiệm công nghệ (R&D - Digital Lab) và không ngại chi trả mức lương khủng cùng những cam kết làm việc hấp dẫn nhằm chiêu mộ các nhân tài công nghệ. Phòng thí nghiệm của các ngân hàng cũng xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các trường đại học danh tiếng để lôi cuốn chất xám.
Việc đầu tư vào các phòng thí nghiệm sáng kiến cùng với đội ngũ nhân tài có trình độ chuyên môn cao sẽ giúp ngân hàng không ngừng tạo ra và sở hữu các sản phẩm tài chính công nghệ riêng biệt mới mẻ so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Và đó cũng chính là cách mà các ngân hàng cho rằng sẽ giúp họ tạo vị thế cạnh tranh đường dài trong cuộc chiến khốc liệt với các FinTech.
Dẫn đầu trong xu hướng này là Deutsche Bank, một trong những ngân hàng lớn nhất ở châu Âu. Deutsche Bank đã xây dựng tổng cộng 4 phòng thí nghiệm đổi mới (Innovation Lab) ở các trung tâm tài chính trọng yếu - Berlin (Đức), Palo Alto (Mỹ), New York (Mỹ) và London (Anh).
Cùng với 3 mục tiêu chiến lược được đặt ra là phát triển số hóa, ứng dụng công nghệ hàng đầu và tạo ra môi trường sáng tạo, Deutsche Bank tuyên bố tương lai gần, họ tiếp tục phát triển thêm những phòng thí nghiệm đổi mới tại châu Á.
Cũng như Deutsche Bank, Ngân hàng Royal Bank of Canada (RBC), ngân hàng có vốn hóa lớn nhất Canada, đã xây dựng cho mình các phòng thí nghiệm công nghệ tại các thành phố Toronto (Canada), London và Luxembourg. Từ góc độ cạnh tranh, CEO của RBC tin rằng, đầu tư vào công nghệ sẽ tạo nên vị thế cạnh tranh so với các đối thủ cùng với mục tiêu cao nhất là đem lại giá trị thực thụ của các sản phẩm tài chính đến khách hàng.
Ngân hàng Việt Nam và triển vọng tươi sáng cho đổi mới
Tại Việt Nam, các yếu tố tích cực như dân số thuộc thế hệ “millennials” chiếm phần lớn, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động ngày càng tăng cùng độ phổ cập Internet ngày càng phổ biến tạo niềm tin vào triển vọng tươi sáng cho sự phát triển mạnh mẻ của làn sóng công nghệ tại Việt Nam.
Thị trường Việt Nam có hàng loạt công ty FinTech hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực từ thanh toán di động (mobile payment), Dữ liệu lớn (Big Data), đến công nghệ chuỗi khối (Blockchain).
Công nghệ tài chính Việt Nam dự đoán tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới với tốc độ tăng trưởng kép dự kiến từ 31,2 - 35,9% giai đoạn năm 2017 - 2025. Bên cạnh đó, các ngân hàng Việt Nam cũng tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số hóa.
Chúng ta có thể thấy những bước tiến rõ ràng từ các ngân hàng Việt Nam thời gian gần đây. Điển hình như VPBank đã cho ra đời ứng dụng Yolo, ngân hàng số tích hợp tiện ích sành điệu cho thế hệ mới.
Ngân hàng ACB khởi tạo cuộc thi sáng tạo lớn nhất trong năm ACB WIN 2018 bằng hội thảo Xu hướng ngân hàng mở (Banking Without Walls) tại TP.HCM với sự tham gia của hơn 400 nhân viên ACB và sinh viên, cộng đồng những người yêu thích start up, công ty FinTech.
Ngân hàng VietinBank cũng đầu tư mạnh mẽ cho nền tảng công nghệ số qua các dự án như thay thế mới toàn bộ hệ thống phần mềm ngân hàng lõi corebanking của Finastra, đầu tư mới toàn bộ hệ thống lõi cho sản phẩm thẻ của Cardzone, chuẩn bị thay thế Internet Banking bằng hệ thống DC (digital channel) mới. Đồng thời,
VietinBank cũng đẩy mạnh hợp tác với các đối tác lớn trong nước và quốc tế như Finastra, CISCO nhằm mang đến những ứng dụng tích hợp các chức năng, tiện ích đa dạng, phong phú cho khách hàng.
Cùng với những yếu tố thúc đẩy kể trên, Chính phủ Việt Nam đã đề ra chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, cam kết đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, nâng cao mức độ số hóa của Việt Nam. Những hỗ trợ, chính sách và đầu tư của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc số hóa tạo tiền đề to lớn để hướng đến mục tiêu “Chuyển đổi số là cơ hội hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường” như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã từng chia sẻ.
Khoa học công nghệ đã và đang thay đổi nhân loại bằng những kỳ tích không tưởng, góp phần hiện thực hóa những giấc mơ tưởng chừng là viển vông một thời. Thế giới sẽ chứng kiến nhiều phát minh mang tính chất đột phá hơn. Chúng ta cũng có thể đoán định công nghệ sẽ tiếp tục “làm mưa làm gió” trong ngành tài chính ngân hàng những năm tới.
Sẽ không quá xa vời để kỳ vọng một ngày chúng ta có thể ngồi trên một chiếc taxi bay và thực hiện tất cả các giao dịch tài chính trên chỉ một chiếc điện thoại di động. Những chi nhánh truyền thống sẽ được thay thế bởi mô hình ngân hàng trên nền tảng thực tế ảo (Virtual Reality). Nhân viên ngân hàng sẽ là những rô bốt được tạo nên bởi công nghệ AI. Và những giới hạn sẽ không còn là giới hạn nữa…