Nợ công tính thế nào?
Theo quy định hiện hành, tổng nợ công là nợ trong nước và nước ngoài của khu vực công, bao gồm nợ của Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.
Nói một cách tổng quát, nợ công được hình thành từ 3 nguồn: tích lũy thâm hụt ngân sách hàng năm, các khoản chi tiêu công cho các công trình/dự án được để ngoại bảng hạch toán NSNN và nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh.
Theo thống kê, tính đến hết năm 2012, tổng nợ công của Việt Nam là 55,7% GDP, trong đó nợ Chính phủ là 43,3% GDP, nợ Chính phủ bảo lãnh là 11,6% GDP và nợ chính quyền địa phương là 0,8% GDP. Với con số này, tổng nợ công của Việt Nam nằm dưới mức trần (65% GDP) và trong ngưỡng an toàn theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, rủi ro tiềm tàng đối với nợ công không phải là những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách, mà những khoản nợ xấu của khu vực DNNN mà rất có thể phải dùng đến NSNN để trả.
“Chỉ tính riêng tổng nợ của khối DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn tính đến cuối năm 2012 là 1.550 ngàn tỷ đồng, tương đương 52,5% GDP. Trừ đi phần có thể đã được Chính phủ bảo lãnh (khoảng 11,67% GDP), thì vẫn còn tới 40,9% GDP nợ của DNNN không được Chính phủ bảo lãnh. Con số này cùng với nợ đọng xây dựng cơ bản, nếu được cộng vào con số công bố chính thức thì nợ công của Việt Nam sẽ lên tới xấp xỉ 98,2%, vượt xa ngưỡng an toàn được khuyến cáo”, TS. Phạm Thế Anh, quyền Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, Đại học Kinh tế quốc dân, nói.
Đồng tình với những đánh giá trên, nhưng ở một khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nêu ra 3 vấn đề. Thứ nhất, cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý nợ công? Thứ hai là về vấn đề số liệu thống kê cũng như chính sách tài khóa về thu chi ngân sách. Thứ ba là câu chuyện kỷ luật tài khóa.
“Một điều tôi cho là không hợp lý khi hàng năm chúng ta đều có dự toán chi ngân sách, nhưng vẫn luôn vượt chi. Trong đó, chi thường xuyên vượt dự toán, chi đầu tư vượt dự toán, thậm chí, chi nợ lãi và chi trả nợ gốc cũng vượt dự toán”, ông Ánh nói.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì hội thảo cho biết, trong các khoản chi vượt dự toán hàng năm, việc chi ngân sách hỗ trợ các vùng bị thiên tai, bão lũ chiếm tỷ lệ rất lớn…
Ngoài ra, về vấn đề nợ xây dựng cơ bản có được tính vào nợ công hay không, theo ông Cao Viết Sinh, cần phải xác định rõ, nợ xây dựng cơ bản gồm 2 loại, những dự án đã làm xong nhưng chưa có tiền để trả và các dự án đang làm, làm xong đến đâu thì hạch toán đến đó, có nghĩa là DN bỏ tiền ra làm trước, sau đó sẽ được thanh toán sau giống như hình thức BOT mà các DN hiện nay đang thực hiện. Trường hợp thứ hai, nợ xây dựng cơ bản không thể tính vào nợ công.
Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ: đồng nhịp hay lạc điệu?
Mặc dù thừa nhận chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã phối hợp tốt hơn trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát giai đoạn 2011 - 2013, nhưng hầu hết chuyên gia tài chính tiền tệ có mặt tại hội thảo đều cho rằng, hai chính sách này còn không ít điểm lạc nhịp.
TS. Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV chỉ ra đến 6 điểm “lạc điệu”. Thứ nhất, lạc điệu về liều lượng, thời điểm, như trong khi chính sách tiền tệ giảm nới lỏng thì chính sách tài khóa vẫn tiếp tục…
Thứ hai là lạc điệu về điều hành giá cả. Thứ ba là lạc điệu trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Thứ tư là lạc điệu trong giám sát, ổn định tài chính - tiền tệ. Thứ năm là lạc điệu trong cung cấp thông tin, trao đổi, trong hoạch định và thực hiện mục tiêu chính sách ngắn và trung hạn. Và cuối cùng là lạc điệu trong “phân vai”, khi mà chính sách tiền tệ đang “gánh vai” cho chính sách tài khóa, cụ thể như trong việc thực hiện gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản…
Đồng tình với ý kiến trên, ông Sinh cũng cho rằng, thời gian qua, trong khi khối TCTD đang thực hiện việc tái cấu trúc rất tốt, thì việc này tại khối DNNN diễn ra rất chậm chạp, hoạt động tái cấu trúc khối DNNN mới chỉ dừng lại ở công tác tổ chức sắp xếp lại và rút dần vốn đầu tư ngoài ngành. Vừa qua, Đề án Tái cấu trúc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đến năm 2015 đã được Chính phủ phê duyệt và có hiệu lực từ ngày 2/12/2013. Theo đó, SCIC sẽ thực hiện thoái vốn nhà nước tại 376 DN, hy vọng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và cải cách DNNN.
“Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô. Sắp tới, Bộ sẽ trình dự thảo quy chế về cơ chế phối hợp giữa các công cụ điều hành, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong xây dựng và triển khai các chính sách”, ông Sinh cho biết.