Rất khó để kỳ vọng thời kỳ tiền rẻ sẽ sớm quay trở lại.

Rất khó để kỳ vọng thời kỳ tiền rẻ sẽ sớm quay trở lại.

Tiền rẻ chưa xuất hiện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành lần thứ tư, nhưng dòng tiền rẻ chưa xuất hiện.

“Độ trễ” chính sách

Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành từ ngày 19/6/2023 giúp mặt bằng lãi suất huy động giảm thêm, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp vốn đang gặp không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh đó, lãi suất hạ được nhận định sẽ kích thích dòng tiền dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán, song tác động này được nhìn nhận trong trung và dài hạn hơn là ngắn hạn.

Trước đó, kể từ giữa tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 đợt hạ lãi suất điều hành, yếu tố này được nhìn nhận đã phản ánh vào diễn biến đi lên của thị trường chứng khoán, dù lãi suất huy động và cho vay chưa giảm nhiều.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch mới hiện nay là 5,7%/năm, giảm 0,7%/năm; lãi suất cho vay bình quân mới là 8,9%/năm, giảm 1%/năm so với cuối năm 2022.

Công ty Chứng khoán DSC nhận xét, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 5/2023 rất thấp, chỉ đạt 3,17%. Nguyên nhân là do bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, trong khi thị trường bất động sản ảm đạm. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp khỏe hạn chế vay vốn, hạn chế mở rộng quy mô. Các doanh nghiệp yếu cần vay vốn để duy trì hoạt động thì khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, nhất là các chương trình ưu đãi lãi suất.

“Chúng ta cần khoảng 4 - 6 tháng để các chính sách hỗ trợ được thẩm thấu, đồng thời kinh tế Trung Quốc hồi phục rõ nét, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, trước khi nhu cầu tín dụng tăng mạnh hơn và tiền rẻ trở lại”, DSC dự báo.

Hiện tại, mức lãi suất cơ bản đã giảm về gần mức thấp nhất trong giai đoạn 2020 - 2022, nhưng lãi suất cho vay vẫn đang là áp lực với các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục giảm, trong đó lãi suất cho vay giảm rõ nét hơn kể từ quý III/2023. Tuy nhiên, rất khó để kỳ vọng thời kỳ tiền rẻ sẽ sớm quay trở lại.

Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm sức hấp dẫn, ông Minh khuyến nghị, nhà đầu tư có thể cân nhắc cơ cấu dòng tiền từ tiết kiệm sang các kênh rủi ro hơn, nhưng có cơ hội mang lại lợi nhuận cao như chứng khoán.

Nói thêm về tác động từ đợt hạ lãi suất điều hành lần thứ tư, ông Minh đánh giá, việc này sẽ giúp giảm hình thành nợ xấu và hỗ trợ biên lãi ròng của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2023. Ngược lại, các đợt cắt giảm lãi suất trong thời gian ngắn của Ngân hàng Nhà nước có thể gây áp lực lên tỷ giá USD/VND và dòng chảy ngoại hối trong một nền kinh tế mở như Việt Nam. Điều này cần được theo dõi cẩn thận, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ báo hiệu khả năng tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay, mặc dù giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách hồi giữa tháng 6.

Trên sàn chứng khoán, dòng vốn tổ chức trong nước có động thái mua ròng trong tuần qua. Thị trường chứng khoán nhiều nước cũng có diễn biến khả quan, dù nền kinh tế đang phải “vật lộn” với lạm phát và lãi suất cao như Argentina, Lào, Thổ Nhĩ Kỳ… Có thể thấy, dòng tiền đầu tư toàn cầu đang tìm kênh sinh lời, chấp nhận mạo hiểm.

Thống kê biến động của các chỉ số chứng khoán châu Á, VN-Index và HNX-Index của thị trường Việt Nam cùng với cùng với các chỉ số của thị trường Trung Quốc đang nằm trong nhóm có mức hồi phục thấp.

Nhiều ngành “ăn theo” câu chuyện hạ lãi suất

Nhiều nhà đầu tư gần đây đi tìm cơ hội trên thị trường chứng khoán theo câu chuyện hạ lãi suất, nhưng còn quá sớm để kỳ vọng tiền rẻ xuất hiện.

Thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư gần đây đi tìm cơ hội trên thị trường chứng khoán theo câu chuyện hạ lãi suất.

Về vấn đề này, ông Trương Thái Đạt, Trưởng phòng Phân tích, DSC cho rằng, bất động sản và ngân hàng là hai ngành được hưởng lợi trực tiếp nhất từ lãi suất điều hành giảm.

Cụ thể, với ngành bất động sản, do lãi suất cho vay cao, kênh trái phiếu gần như tắc nghẽn, các doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn, khiến hoạt động gặp khó khăn. Khi mặt bằng lãi suất giảm, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính sẽ có cơ hội huy động vốn để mua lại các bất động sản giá rẻ, tạo động lực tăng trưởng cho tương lai. Còn các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền do tình trạng sụt giảm thanh khoản của thị trường thì đây là điều kiện cần thiết giúp doanh nghiệp tái cấu trúc tài chính các khoản nợ để giảm chi phí vốn.

Với ngành ngân hàng, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2023 rất thấp, do nhu cầu vay vốn thấp và chất lượng người đi vay giảm. Khi mặt bằng lãi suất giảm, tín dụng có khả năng gia tăng. Thêm vào đó, áp lực lãi vay giảm giúp doanh nghiệp dễ trả nợ hơn, qua đó giảm rủi ro nợ xấu phát sinh, vốn là nỗi lo của ngành ngân hàng.

Theo lý thuyết cũng như thực tế, khi lãi suất có xu hướng giảm, các dòng cổ phiếu như cổ phiếu vốn hóa nhỏ, ngành có chu kỳ sớm, cổ phiếu giá trị, ngành sản xuất có khả năng tăng giá hơn các nhóm khác.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV dự báo, bất động sản, xây dựng, tài chính, tiêu dùng sẽ là những nhóm cổ phiếu có dòng tiền chuyển dịch ở pha tiếp theo. Bên cạnh đó, những ngành có triển vọng kết quả kinh doanh quý II/2023 nổi bật bao gồm chứng khoán, đầu tư công, điện, nông sản.

“Ngoài ra, trong nửa cuối năm 2023, chúng tôi đánh giá khả quan với ngành bất động sản khu công nghiệp, dịch vụ hàng không, công nghệ - bưu chính viễn thông và dầu khí”, ông Khoa nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh nhìn nhận, lãi suất giảm sẽ có tác động tích cực tới nhóm cổ phiếu chứng khoán, vốn có hệ số beta cao, tức phản ánh nhanh và mạnh hơn thị trường chung. Mặt khác, thanh khoản của thị trường chứng khoán có khả năng sẽ được cải thiện, dự báo đạt bình quân 15.000 tỷ đồng/phiên trong 6 tháng cuối năm nay. Kèm theo đó, thị trường có triển vọng tăng điểm rõ ràng hơn, giúp nguồn thu từ hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán gia tăng, đóng góp vào lợi nhuận chung, mang lại mức tăng trưởng ấn tượng so với do mức nền thấp của cùng kỳ năm 2022.

Tin bài liên quan