Tiền ở đâu ra?

(ĐTCK-online) Giá trị giao dịch tăng trong phiên thứ Năm tuần trước khiến nhiều NĐT tin tưởng vào sự phục hồi thanh khoản trên thị trường, cho dù tín dụng cầm cố chứng khoán vẫn bị hạn chế.

“Ở thị trường Việt Nam thì đừng bao giờ lo không có tiền, mà chỉ sợ không có cơ hội. Nếu có cơ hội ta sẽ thấy dòng tiền đổ vào thị trường mà không biết ở những nguồn nào ra”, giám đốc một CTCK bình luận khi giá trị giao dịch trên sàn HOSE tăng lên 3.200 tỷ đồng - con số đáng mừng trong bối cảnh tâm lý thị trường còn thận trọng. “Nếu tâm lý thị trường được cải thiện hơn nhờ các thông tin hỗ trợ nào đó đến từ kinh tế vĩ mô trong nước hay xu hướng tăng của thị trường thế giới thì giá trị giao dịch mỗi ngày của sàn HOSE có thể đạt 3.500 - 4.000 tỷ đồng/phiên”, vị này nhận định. 

Số lượng DN đăng ký niêm yết ngày một tăng lên. Dường như thị trường không còn quá nhạy cảm trước việc các DN lớn lên niêm yết như Eximbank hay Massan Group. Nhìn tổng thể, số cổ phiếu của các DN lớn lên niêm yết cộng với số cổ phiếu phát hành thêm của các DN đã niêm yết được dự báo sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong tương lai, khi mà sức cầu đang bị hạn chế do ảnh hưởng bởi tín dụng “nới lỏng thận trọng”. Bước tiếp theo của nới lỏng tín dụng thận trọng sẽ là siết lại tín dụng, đưa về tình trạng bình thường để kiềm chế lạm phát quay trở lại. Vậy tiền ở đâu ra luôn là câu hỏi với thị trường!

Những đợt sốt vàng vừa qua cho thấy, tiền ở trong dân còn rất nhiều. Người dân sẵn sàng gửi tiền cho DN vàng tư nhân để nhận siêu lãi suất theo tuần, theo tháng, tính ra tới 36%/năm. Mức lời này không khó để đạt được khi đầu tư đúng thời điểm, được tư vấn tốt. Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài nhận xét, giao dịch vàng tài khoản mỗi ngày còn cao hơn cả giao dịch liên ngân hàng. Tức thị trường giao dịch của tư nhân lớn hơn cả của các tổ chức. “Điều đó cho thấy, khó mà đoán định lượng tiền ngoài thị trường ở Việt Nam”, ông này nói.

Thực tế là những DN chuẩn bị niêm yết đa số đều thấy đã có sẵn cổ đông bên ngoài sở hữu cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 20%; thậm chí, có cổ phiếu mà cổ đông nội bộ là ban lãnh đạo nắm giữ gần hết như Vạn Phát Hưng. Như vậy, không chỉ tăng thêm nguồn cung, các công ty niêm yết còn tăng cả nguồn cầu cho thị trường khi mà các cổ đông của công ty bắt đầu tham gia TTCK và bán đi cổ phiếu đang nắm giữ, để sau đó có thể họ sẽ chuyển sang nắm giữ cổ phiếu khác hoặc quay lại thị trường vào một thời điểm khác, khi giá cổ phiếu xuống thấp hơn mức giá bán ra.

Định hướng chiến lược phát triển TTCK mới đây đặt ra mục tiêu dự kiến năm 2015 quy mô vốn hóa thị trường đạt 65 - 70% GDP và đến năm 2020 quy mô vốn hóa thị trường đạt 90 - 100% GDP. Mặc dù dòng vốn vào thị trường còn đang gặp khó khăn, nhưng không thấy có ý kiến nào nghi ngờ tính khả thi của mục tiêu trên ở thời điểm này.

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, giá trị giao dịch của TTCK sẽ tạo ra các bất ngờ mới. Tiền từ thị trường vàng sang, tiền từ đền bù giải tỏa các khu đô thị mới, tiền tiết kiệm trong dân, tiền thu nhập hàng tháng của NĐT… Tiền ở khắp mọi nơi và chỉ cần thấy dấu hiệu tăng điểm mạnh, sẽ ào ạt đổ vào chứng khoán...