Tuy không phải là mã có mức tăng cao nhất, nhưng thị giá TTF đã xác lập mức tăng 30,86% trong tuần qua, từ 6.740 đồng/cổ phiếu lên 8.820 đồng/cổ phiếu; trong đó có 4 phiên tăng trần với thanh khoản hàng triệu cổ phiếu.
Chuỗi tăng giá của TTF bắt đầu sau thông tin Hội đồng quản trị trình cổ đông phương án khắc phục hậu quả được đề xuất bởi ông Võ Trường Thành, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc TTF và ông Võ Diệp Văn Tuấn, nguyên thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Công ty.
Cụ thể, hai vị này xin được khắc phục một phần hậu quả do trách nhiệm quản lý yếu kém tại TTF và các công ty con dẫn đến sai lệch, thất thoát phát sinh bằng cách sử dụng tài sản của bản thân và người liên quan.
Các tài sản khắc phục của cha con ông Võ Trường Thành bao gồm 15,4 triệu cổ phần TTF (tương ứng 136 tỷ đồng theo giá đóng cửa ngày 10/3/2017) và 57,4 tỷ đồng vốn góp tại các doanh nghiệp khác, tổng giá trị hơn 193 tỷ đồng.
Đà tăng giá của cổ phiếu TTF khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ, bởi theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 được công bố, trong kỳ, Công ty tiếp tục thua lỗ thêm 145,7 tỷ đồng, nâng tổng mức lỗ cả năm lên 1.621 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 195,2 tỷ đồng.
Cơ cấu tài chính mất cân đối nghiêm trọng khi nợ ngắn hạn lên tới 3.328 tỷ đồng, cao gấp 1,4 lần tài sản ngắn hạn, tăng hơn 570 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng chủ yếu, với 2.607 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động kinh doanh trong năm âm 855 tỷ đồng, Công ty gặp rủi ro về khả năng thanh toán. Như vậy, giá trị tài sản khắc phục của cha con nguyên Chủ tịch Võ Trường Thành chỉ tương đương với số vốn chủ sở hữu bị âm.
Trước đó, ngay khi TTF công bố báo cáo tài chính quý IV/2016 tự lập, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã ra cảnh báo về nguy cơ hủy niêm yết của cổ phiếu này và sẽ thực hiện thủ tục hủy niêm yết bắt buộc nếu trên báo cáo kiểm toán hợp nhất, lỗ lũy kế vẫn vượt vốn điều lệ thực góp.
Hiện TTF cũng đang nằm trong diện chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt và chỉ được giao dịch trong phiên buổi chiều do báo cáo tài chính quý II/2016 ghi nhận khoản lỗ lớn và có nội dung điều chỉnh hồi tố, ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của Công ty.
Việc thị giá TTF tăng mạnh và cao hơn thị giá nhiều cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, lợi nhuận tích cực khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi: Phải chăng nhà đầu tư kỳ vọng bên cạnh việc góp vốn khắc phục hậu quả của cha con cựu Chủ tịch, còn có những thỏa thuận, cải tổ ngầm để doanh nghiệp hồi phục và vượt qua khó khăn?
Thị trường đang chờ đợi báo cáo kiểm toán chính thức để xem có thay đổi trọng yếu nào giúp TTF “trụ lại sàn” hay không và sau đó là những kế hoạch mới của Ban lãnh đạo Công ty trong Đại hội đồng cổ đông 2017 nhằm phục hồi doanh nghiệp.
SZL làm “nóng” nhóm hạ tầng khu công nghiệp phía Nam
Một mã đáng chú ý khác tuần qua là SZL của CTCP Sonadezi Long Thành đã tăng mạnh sau hơn 6 tháng lặng sóng, từ 33.800 đồng/CP lên 38.000 đồng/CP, tương đương mức tăng 12,4%. Sau năm 2016 đột biến về doanh thu và lợi nhuận, thị trường đang kỳ vọng SZL sẽ đề xuất kế hoạch chia cổ tức “khủng” trong đại hội cổ đông tới đây, kèm với đó là kế hoạch kinh doanh 2017 tiếp tục tăng trưởng khi xu hướng đang hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp hạ tầng khu công nghiệp.
SZL là doanh nghiệp cung cấp hạ tầng khu công nghiệp và bất động sản tại khu vực Đồng Nai. Theo báo cáo tài chính quý IV/2016 được công bố, trong năm qua, SZL đạt doanh thu 286,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 102,9 tỷ đồng, tăng lần lượt 48% và 124,6% với năm 2015, vượt xa kế hoạch đề ra.
Cùng với SZL, nhiều cổ phiếu nhóm hạ tầng khu công nghiệp khác tại khu vực phía Nam cũng có diễn biến khá tích cực, D2D của CTCP Phát triển đô thị khu công nghiệp số 2, một doanh nghiệp cũng cho thuê khu công nghiệp tại Đồng Nai tăng 8,9% trong tuần qua; NTC của CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên tăng 12%, LHG của CTCP Long Hậu tăng 5,5%, hay cổ phiếu TIP của CTCP Phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa tăng 1,2%...