Phát triển TTCK thứ cấp để tạo xúc tác cho thị trường sơ cấp

Phát triển TTCK thứ cấp để tạo xúc tác cho thị trường sơ cấp

Tiền nhàn rỗi phải khuyến khích chảy vào đầu tư

(ĐTCK) Có ý kiến cho rằng, cần chấm dứt ngay thời kỳ ngân hàng vừa cấp vốn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp, vừa chảy vào chứng khoán. Tuy nhiên, trao đổi với Báo ĐTCK, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM cho rằng, Nhà nước cần khuyến khích đồng tiền nhàn rỗi chảy vào đầu tư, thay vì gửi ngân hàng lấy lãi như một kênh đầu tư cạnh tranh với các kênh khác mà không tạo ra giá trị mới.

Có ý kiến cho rằng, cần chấm dứt ngay thời kỳ ngân hàng vừa cấp vốn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn cho DN, vừa chảy vào chứng khoán. Quan điểm của ông như thế nào?

Quan điểm của tôi nhất quán về TTCK. Thứ nhất, tôi cho rằng, vai trò trọng yếu nhất của TTCK là tạo vốn cho nền kinh tế. Do đó, tôi rất quan tâm đến tốc độ phát triển của TTCK sơ cấp cũng như cần thiết phát triển thị trường thứ cấp để tạo xúc tác cho thị trường sơ cấp. Nếu chỉ tập trung vốn vào thị trường thứ cấp, mà không có tác động lan tỏa tạo sự đồng biến của thị trường sơ cấp, thì phải xem xét lại.

Thứ hai, một thực tế rất rõ là nhiều năm qua, hiện nay và vài năm tới, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đã và sẽ phải gánh chịu vượt quá sức của mình khi phải lo vốn ngắn hạn trên thị trường tiền tệ, lo vốn trung, dài hạn trên thị trường vốn (mua trái phiếu chính phủ) và cung cấp vốn cho TTCK. Ba mảng này “đè” lên các NHTM trong điều kiện nhiều ngân hàng chưa thực sự mạnh. 

Nhưng hoạt động kinh doanh chứng khoán, nhất là trên thị trường niêm yết là một hoạt động kinh doanh bình thường, cần vốn ngắn hạn, trong khi chức năng cung cấp vốn ngắn hạn là của ngân hàng?

Vốn ngân hàng cho vay chứng khoán là cần thiết, như tôi đã nói, TTCK thứ cấp sôi động là chất xúc tác cho thị trường sơ cấp phát triển. Trong TTCK, yếu tố đầu cơ là cần thiết, giống như “nấu nồi canh cần phải bỏ muối”, nhưng đừng để ở trạng thái đầu cơ thái quá. Chúng ta không bao giờ được quên hậu quả của cơn sốt chứng khoán năm 2006 và bong bóng bất động sản năm 2007 để lại di chứng nặng nề cho nền kinh tế. Chưa kể, TTCK Việt Nam có quy mô quá nhỏ, vốn hóa của hầu hết DN chưa đủ lớn, nên dễ bị làm giá.

Hịện tại, tôi vẫn mong muốn các NHTM tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho DN sản xuất - kinh doanh, còn cung cấp vốn cho TTCK thứ cấp ở mức nào, phải tính toán phù hợp.

Về lâu dài, phát triển đồng bộ thị trường tiền tệ - thị trường vốn là rất quan trọng. Cần có nhiều chính sách để TTCK thực hiện tốt hơn nữa chức năng cung cấp vốn trung, dài hạn, chứ không chỉ nhìn VN-Index lên điểm là hài lòng. Thực tế, trong 15 năm qua, rất nhiều DN đã tăng trưởng vượt bậc nhờ huy động vốn trên TTCK, trở thành những DN đầu ngành xét về quy mô, thị phần, khả năng cạnh tranh. Nhưng nhìn tổng thể, TTCK chưa trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế do còn thiếu các chính sách phát triển.

TS. Trần Du Lịch
 

Theo ông, vốn ngân hàng vào chứng khoán hiện ở mức nào?

Trước khi Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực ngày 1/2/2015, trong đó có quy định siết vốn ngân hàng cho vay chứng khoán, tôi không cho rằng, TTCK sẽ lao dốc vì thông tư này. Vốn ngân hàng có chảy vào thị trường, nhưng không đến mức nghiêm trọng. Đến nay, TTCK lình xình, phản ánh đúng bức tranh kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục, củng cố lại niềm tin.

Với mục tiêu trả nhiệm vụ cung cấp vốn trung và dài hạn từ ngân hàng về cho TTCK thì tỷ lệ 60% vốn ngắn hạn được cho vay trung, dài hạn của NHTM quy định trong Thông tư 36 có thực sự hợp lý?

Nâng tỷ lệ này lên 60% từ mức 30% trước đó là một nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Thông tư 36 giảm hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ 250% xuống còn 150%. Đây là những tín hiệu nới lỏng khá mạnh.

Năm 2015, mọi chính sách của NHNN đều hướng vào việc giảm lãi suất trung, dài hạn để hỗ trợ DN tái cấu trúc. Thông tư 36 đã giải quyết cả hai vấn đề là tăng nguồn cung cho vốn trung, dài hạn, tạo cơ sở để giảm lãi suất trung, dài hạn từ 1 - 1,5%/năm.

Đó là mục tiêu trước mắt, còn về dài hạn thì sao, thưa ông?

Tôi đã kiến nghị nhiều lần. Thứ nhất, muốn phát triển thị trường vốn trung, dài hạn thì phải khuyến khích hình thành các công ty đầu tư, các quỹ đầu tư, các định chế tài chính tín dụng phi ngân hàng.

Thứ hai, phải có những tổ chức độc lập đánh giá mức tín nhiệm, xếp hạng DN để phát triển thị trường trái phiếu DN. Khi đó, DN muốn tăng vốn sẽ phát hành trái phiếu để giảm áp lực vốn vay ngân hàng. Không ai kinh doanh chỉ dùng tiền của mình, dùng cổ phiếu cũng là dùng tiền của mình.

Trong các đợt phát hành trái phiếu chính phủ thời gian qua, các NHTM mua đến 80%, những định chế tài chính khác gần như không tham gia. Chúng ta cần có chính sách khuyến khích dòng tiền nhàn rỗi đi vào chứng khoán, thay vì gửi ngân hàng. Tiền nhàn rỗi, người dân gửi ngân hàng, còn ngân hàng lấy tiền này cho vay đầu tư chứng khoán hay mua chứng khoán thì không tạo được dòng vốn dài hạn cho TTCK.

Phải hình thành những quỹ đầu tư hỗ tương thu hút tiền của dân và đem đi đầu tư trên TTCK. Như vậy, sẽ hình thành trên TTCK những nhà đầu tư chuyên nghiệp, tạo được dòng vốn lớn và dài hạn chảy trong TTCK, còn hiện nay, NĐT nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số.

Nếu lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức cao thì chứng khoán khó mà thu hút được tiền nhàn rỗi của người dân?

Do tâm lý sợ đô-la hóa, vàng hóa nên NHNN duy trì chính sách lãi suất thực dương (lãi suất tiền gửi ngân hàng lớn hơn tỷ lệ lạm phát) trong điều hành chính sách tiền tệ. Theo tôi, phải tiến tới bỏ quan niệm này để đồng tiền nhàn rỗi được đưa vào đầu tư, thay vì gửi ngân hàng lấy lãi như một kênh đầu tư cạnh tranh với các kênh khác mà không tạo ra giá trị mới. Chính quan niệm gửi tiết kiệm là kênh đầu tư đã khiến các ngân hàng đẩy lãi suất tiền gửi lên cao để hấp dẫn vốn, kéo theo lãi suất cho vay cao theo, DN phải gánh chịu.

Nhiều nước trên thế giới, lãi suất tiền gửi là 0%, nhưng Việt Nam không nên giảm mạnh lãi suất, mà cần có lộ trình giảm từ từ, vì tâm lý sợ mất giá tiền đồng tồn tại đã lâu, giảm lãi suất đột ngột có thể khiến người dân bấu víu vào vàng và ngoại tệ. Ba năm trở lại đây, NHNN đã củng cố giá trị tiền đồng, nhưng cần tiếp tục củng cố giá trị tiền đồng lâu dài thì người dân mới không tính đến chuyện chuyển tiền sang vàng và ngoại tệ.

Lãi suất thực dương của tiền gửi ngân hàng là khắc tinh của TTCK. Khi hầu hết người dân vẫn còn gửi tiền vào ngân hàng thì đồng nghĩa với việc nguồn vốn cho TTCK còn hạn chế. Chúng ta phải làm cho người dân đầu tư vào chứng khoán. Hướng tới mục tiêu lớn như vậy cần có lộ trình để cân đối hài hòa các lợi ích.

Nên điều chỉnh tỷ lệ cho vay chứng khoán tùy theo sức khỏe của từng ngân hàng

Tiền nhàn rỗi phải khuyến khích chảy vào đầu tư ảnh 2

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh

Hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán cần thiết có nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng, đây cũng là hoạt động cho vay bình thường của ngân hàng. Việc hạn chế vốn ngân hàng cho vay kinh doanh chứng khoán sẽ ảnh hưởng đến thị trường này. Vì TTCK có thanh khoản tốt sẽ tác động đến việc cổ phần hóa của DN, đặc biệt là khối DNNN đang trong tiến trình tái cấu trúc và đại chúng hóa nguồn vốn. Thanh khoản của TTCK tốt hay không cũng tác động đến việc thoái vốn ngoài ngành của các DNNN. Bên cạnh đó, các hoạt động hợp nhất - sáp nhập (M&A) cũng bị ảnh hưởng nếu thanh khoản của thị trường không tốt.

Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề phòng một số ngân hàng nhỏ không đẩy được tín dụng ra nền kinh tế, lách cho vay repo chứng khoán quá mức. Theo tôi, NHNN nên tùy theo sức khỏe của từng ngân hàng mà điều chỉnh tỷ lệ cho vay chứng khoán hợp lý. Có những ngân hàng cần hạn chế, có những ngân hàng cần khuyến khích.

Hiện 4 ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối cho vay chứng khoán rất ít, có thể khuyến khích những ngân hàng này cho vay chứng khoán an toàn để TTCK thanh khoản tốt hơn.

Thực hiện đúng quy định thì cho vay chứng khoán khá an toàn

Tiền nhàn rỗi phải khuyến khích chảy vào đầu tư ảnh 3

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng

Nếu có hệ thống kiểm soát rủi ro tốt, cho vay đúng quy định thì cho vay chứng khoán khá an toàn. Rủi ro chỉ xảy ra khi cho vay chứng khoán liều lĩnh, vượt ngoài các tỷ lệ quy định. Theo tôi, Thông tư 36/2014/-TT-NHNN quy định ngân hàng cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán không quá 5% vốn điều lệ để tránh tạo đầu cơ quá mức. Nhưng cũng cần nhìn nhận, cho vay đầu tư chứng khoán là một hoạt động bình thường.

Tại Mỹ, các ngân hàng không bị khống chế tỷ lệ cho vay chứng khoán trên vốn điều lệ, nhưng phải tuân theo quy định riêng. Ví dụ, cho vay giao dịch ký quỹ (margin) chứng khoán là 50% thị giá chứng khoán niêm yết. Nếu vay đầu tư chứng khoán không sử dụng margin thì có thể được vay tới 80% thị giá. Cho vay tỷ lệ nào tùy theo đánh giá rủi ro của ngân hàng cho vay.

Ở Việt Nam, với những ngân hàng có chỉ số an toàn tài chính tốt, nên khuyến khích họ cho vay chứng khoán, vì lợi nhuận từ mảng này khá cao, trong khi giúp TTCK có thanh khoản tốt hơn. Tất nhiên, phải giám sát để họ cho vay đúng quy định, kiểm soát được rủi ro.

Tin bài liên quan