Tiền nhàn rỗi của các gia đình siêu giàu đang tăng cao

Với nỗi lo kinh tế tiếp tục gia tăng vào năm sau, các gia đình giàu có hàng đầu thế giới đang "tồn đọng" nhiều tiền mặt hơn trước.
Ít cơ hội đầu tư hấp dẫn khiến lượng lớn tiền mặt của các gia đình siêu giàu đang nhàn rỗi. Ảnh minh hoạ: Reuters.

Ít cơ hội đầu tư hấp dẫn khiến lượng lớn tiền mặt của các gia đình siêu giàu đang nhàn rỗi. Ảnh minh hoạ: Reuters.

Stone Family Office, một công ty dịch vụ quản lý tài sản gia đình, đang nhìn thấy chuỗi ngày khó khăn phía trước khi phải tìm cách sử dụng khối tiền mặt mà khách hàng giao phó.

"Đây là thời gian khó khăn cho các công ty quản lý tài sản gia đình để phân phố tiền bạc", Rick Stone, 60 tuổi, Người đứng đầu công ty, nhận xét.

Vị chuyên gia này nghi ngờ thị trường trái phiếu sẽ chẳng mang lại bất kỳ lợi nhuận thực sự nào trong thập kỷ tới.

Ông còn dự đoán thị trường vốn cổ phần sẽ bị sụt giảm đáng kể và thu hẹp. Quá nhiều vốn đổ vào đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân cũng sẽ mang lại ít cơ hội hơn.

Stone thật sự nắm khá rõ tình hình chung của ngành quản lý tài sản cho các gia đình giàu có. Ông điều hành cuộc họp thường kỳ 2 tháng một lần của Palm Beach Investment Research Group, một mạng lưới 35 công ty quản lý tài sản gia đình tại Palm Beach, Florida. "Có ít nơi để đầu tư hơn và có rất nhiều tiền đang tìm kiếm nơi đầu tư", ông nói thêm.

Báo cáo năm 2019 do UBS và Campden Research vừa công bố về 360 công ty quản lý tài sản gia đình trên thế giới cũng cho thấy tình hình tương tự. Đa số cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ bước vào suy thoái vào năm 2020, với tỷ lệ người trả lời là "ảm đạm" cao nhất tại các thị trường mới nổi. Khoảng 42% công ty trong ngành trên toàn cầu đang tăng dự trữ tiền mặt.

"Đang có sự thận trọng và lo sợ với thị trường cổ phiếu niêm yết trong giới các nhà đầu tư siêu giàu. Ngày càng có nhiều người nghĩ đến đầu tư tư nhân, đầu tư thay thế hay tiền mặt", Timothy O’Hara, Chủ tịch Rockefeller Global Family Office, nhận định.

Jeffrey Gundlach, Giám đốc đầu tư của DoubleLine Capital, nghĩ rằng có đến 75% khả năng Mỹ sẽ suy thoái trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2020.

Ngân hàng Thế giới cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống mức chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính một thập kỷ trước .

Trong khi đó, hơn hai phần ba công ty quản lý tài sản gia đình ở châu Âu trong khảo sát của UBS nghĩ rằng Brexit sẽ gây tổn hại cho Anh trong dài hạn.

Các công ty quản lý tài sản gia đình đã trở thành một lực lượng lớn hơn trong thị trường tài chính toàn cầu. Campden Research ước tính các công ty này đang quản lý khoảng 5.900 tỷ USD. Mỗi công ty trong khảo sát của UBS quản lý trung bình 917 triệu USD.

Lợi nhuận trung bình của các công ty trong 12 tháng trước khi thực hiện khảo sát là 5,4%, theo UBS. Mức tăng lợi nhuận trung bình cao nhất thuộc về các công ty  khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các thị trường mới nổi (6,2%), tiếp theo Bắc Mỹ (5,9%) và châu Âu (4,3%).

Tiền của các gia đình siêu giàu ủy thác cho các công ty này quản lý gặt hái thành công nhất ở mảng đầu tư vào thị trường vốn tư nhân, với lợi nhuận trung bình 16% cho đầu tư trực tiếp và 11% cho đầu tư dựa trên vốn.

Bất động sản cũng là kênh tích cực, với lợi nhuận trung bình 9,4% và hiện chiếm trung bình 17% danh mục đầu tư của các công ty quản lý tài sản gia đình, tăng 2,1 điểm phần trăm so với khảo sát năm 2018. 

Trong năm tới, 46% gia đình siêu giàu có kế hoạch đổ nhiều tiền hơn vào đầu tư vốn cổ phần tư nhân trực tiếp, với 42% dành nhiều hơn cho các quỹ đầu tư tư nhân và 34% chuyển thêm vào bất động sản, theo khảo sát.

Tin bài liên quan