Tiền ngoại rời bỏ chứng khoán Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Citigroup Inc và một số tổ chức tài chính khác bắt đầu thay đổi góc nhìn về triển vọng của thị trường chứng khoán Nhật Bản, trong bối cảnh chưa chắc chắn về chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương nước này.

Khối ngoại bán ròng

Nhà đầu tư nước ngoài, động lực chính đưa thị trường chứng khoán Nhật Bản lên mức cao kỷ lục cách đây vài tháng đã trở thành đối tượng liên tục bán ròng trong 4 tuần tính tới ngày 14/6/2024. Đây là đợt bán ròng dài nhất của khối ngoại tính từ tháng 9/2023 tới nay, theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo.

Chỉ số Nikkei 225, gồm các cổ phiếu bluechip đã không thể duy trì đà tăng sau khi chạm mức cao nhất vào ngày 22/3/2024. Từ đó tới nay, chỉ số này giảm 5,6% so với mức tăng 1% của chỉ số thị trường chung MSCI AC châu Á - Thái Bình Dương và mức tăng 4,4% của chỉ số S&P 500 tại thị trường Mỹ.

“Góc nhìn lạc quan ban đầu về thị trường chứng khoán Nhật Bản rõ ràng đã ‘va chạm’ với các trở ngại. Nhà đầu tư đối diện với các câu hỏi nhấn mạnh tới tính bền vững của các động lực tăng trưởng tại Nhật Bản’, Hebe Chen, chiến lược gia tại IG Markets Ltd nhận xét.

Đồng Yên liên tục giảm giá

Một trong những mối lo ngại đối với nhà đầu tư nước ngoài là việc đồng Yên liên tục giảm giá so với USD. Ban đầu, từ góc nhìn nhà đầu tư, đồng Yên giảm giá có thể tạo động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, với mức độ giảm như hiện nay, mối lo về tổn hại tới nền kinh tế, bao gồm lạm phát gia tăng đã xuất hiện và ngày càng “ám ảnh”.

Mới đây, trong phiên giao dịch ngày 24/6/2024, đồng Yên giảm giá xuống sát mức tâm lý quan trọng 160 Yên đổi 1 USD. Trước đó, mốc tỷ giá này bị xuyên thủng vào ngày 29/4/2024, khiến Bộ Tài chính Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) phải can thiệp. Cụ thể, hai cơ quan này đã chi hơn 61 tỷ USD để can thiệp vào thị trường ngoại hối trong thời gian từ ngày 26/4 - 29/5/2024.

Hiện tại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda cho biết: “Nếu tỷ giá biến động quá mức, điều đó sẽ có ảnh hưởng bất lợi đến nền kinh tế quốc gia. Trong trường hợp có sự biến động quá mức do hành vi đầu cơ, chúng tôi sẵn sàng có hành động phù hợp”.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh USD duy trì sức mạnh, giới quan sát và các thành viên thị trường vẫn lo ngại về khả năng đồng Yên sẽ rơi xuống mức 170 Yên đổi được 1 USD, điều chưa từng xảy ra kể từ năm 1986 tới nay. Hiện chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đang dao động tại mức cao nhất 8 tuần qua.

Thế khó của BOJ

Giới đầu tư đang quan theo dõi kỹ động thái của BOJ, để xem cơ quan này có tăng lãi suất lần thứ hai vào tháng 7/2024, sau khi tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007 vào tháng 3/2024 hay không.

Dòng vốn đầu tư đã “đặt cược” vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, góp phần giúp chỉ số Topix tăng 30% kể từ đầu năm 2024 tới nay, với kỳ vọng lãi suất tăng sẽ giúp biên lợi nhuận của các nhà băng cải thiện.

Tuy nhiên, gần đây, triển vọng BOJ tăng lãi suất có phần mờ nhạt, bởi đồng Yên yếu sẽ tác động mạnh tới lạm phát. Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào năng lượng và nguyên liệu thô ở nước ngoài, đồng Yên yếu sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu. Ngoài ra, chênh lệch lãi suất lớn giữa Nhật Bản và Mỹ khiến đồng Yên tiếp tục yếu đi.

Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư chứng khoán có tâm lý thận trọng và khối ngoại đẩy mạnh bán ròng. Abrdn Plc cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài cần nhìn thấy nhiều hơn nữa quá trình cải tổ doanh nghiệp tại Nhật Bản và đồng nội tệ ổn định trở lại trước khi quay lại mua ròng.

Tin bài liên quan