Ông Dan Svensson

Ông Dan Svensson

Tiền ngân hàng tiếp tục chảy vào trái phiếu?

(ĐTCK) Việc các ngân hàng gần đây đổ mạnh tiền mua trái phiếu chính phủ (TPCP) đang làm dấy lên những lo ngại về việc mục tiêu tăng trưởng tín dụng bị bỏ lơi. Tuy nhiên, ông Dan Svensson, Giám đốc Quản lý danh mục Dragon Capital lại có cái nhìn khá tích cực về hiện tượng này.

Theo ông, việc các ngân hàng thương mại đổ mạnh tiền đầu tư vào kênh TPCP như hiện nay có làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế hay không?

Tôi không đồng ý hoàn toàn với nhận định rằng, hoạt động cho vay bị chậm lại là do các ngân hàng thương mại đầu tư vào TPCP, mà thiên về nhận định các ngân hàng thương mại đang phải mua TPCP do nhu cầu tín dụng xuống thấp, khiến các ngân hàng bị ứ vốn. Tình trạng tăng trưởng tín dụng bị chậm lại một phần xuất phát từ sự e ngại của các ngân hàng khi cho vay, bởi họ đang phải củng cố lại tài sản trên bảng cân đối kế toán, khi nợ xấu tăng cao. Về phía khách hàng, họ cũng e ngại việc vay vốn để thực hiện đầu tư mới ở thời điểm này chưa chắc đã đem lại lợi nhuận, bởi sức cầu trong nền kinh tế vẫn suy giảm, hàng tồn kho cao. Một khi niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam được cải thiện, các ngân hàng tất yếu sẽ chuyển từ đầu tư TPCP sang hoạt động tín dụng.

Với những lý do trên, tôi cho rằng, không cần phải hạn chế việc ngân hàng đổ tiền vào kênh TPCP. Điều Chính phủ cần làm là phát hành chứng khoán nợ để tài trợ cho ngân sách và nhiều khả năng, Chính phủ sẽ phát hành không thấp hơn mục tiêu 150.000 tỷ đồng đã đề ra từ đầu năm. Hiện Bộ Tài chính đã giảm lợi suất TPCP xuống gần đến mức chi phí huy động của ngân hàng và điều đó là cần thiết để kéo lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm theo.

 

Liệu có hệ lụy gì cho các ngân hàng khi họ cứ tiếp tục dồn tiền vào kênh TPCP hay không, thưa ông?

Tôi cho là không. Việc đầu tư vào TPCP mang tính an toàn, vì vậy, khoản đầu tư vào TPCP sẽ giữ cho chất lượng bảng cân đối kế toán của ngân hàng ở mức an toàn, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn và diễn biến khó lường. Điều đó cũng có nghĩa là tiền gửi của người dân được an toàn.

 

Vậy ông dự đoán thế nào về xu hướng đầu tư vào TPCP của các ngân hàng thương mại trong thời gian tới?

Thực tế, tăng trưởng tiền gửi của các ngân hàng thương mại đang cao hơn tăng trưởng tín dụng, nên với lượng tiền dôi dư, ngân hàng phải sử dụng để mua TPCP. Một khi hoạt động tín dụng vẫn chậm, thì các ngân hàng sẽ vẫn tiếp tục mua vào TPCP. Đặc biệt, chi phí huy động vốn của các ngân hàng đang tiếp tục giảm xuống thì xu hướng này càng chắc chắn hơn.

Về lợi suất TPCP, tôi cho rằng sẽ tiếp tục giảm thêm, nhờ niềm tin tăng lên đối với sự ổn định của nền kinh tế. Nhưng niềm tin này theo thời gian cũng sẽ dẫn đến việc nhu cầu đầu tư và hoạt động cho vay tăng lên.

 

Thị trường TPCP đang rất khả quan với sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại. Vậy, ông nhìn nhận thế nào về triển vọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

Có thể nhu cầu tìm kiếm các tài sản có lợi suất cao hơn sẽ kích thích thị trường trái phiếu doanh nghiệp một chút, nhưng theo tôi, nhìn chung, khó có thể nhìn thấy sự khởi sắc lúc này của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bởi các ngân hàng đang phải đứng trước yêu cầu làm sạch bảng cân đối kế toán của mình.

Tiền ngân hàng tiếp tục chảy vào trái phiếu? ảnh 1

Dư thanh khoản do không dám cho vay, ngân hàng đã tìm đến TPCP

 

Trong khi đó, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường này cũng rất hẹp và mỏng, chủ yếu vẫn là các ngân hàng và một lượng nhỏ các quỹ đầu tư nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp. Vì vậy, khả năng thị trường trái phiếu doanh nghiệp khởi sắc rất thấp.