Quyết định trên của tòa án được coi là thắng lợi đối với Hamm, ông phải trả ít hơn nhiều so với những gì mà người vợ cũ đòi hỏi. Ngoài ra, Hamm cũng được phép giữ lại quyền kiểm soát công ty của mình. Những nhân chứng xác định ông là động lực chính, là thuyền trưởng điều hành “con tàu Continental”.
Harold Hamm 66 tuổi, người được coi là một trong những doanh nhân tiên phong trong việc khai thác dầu đá phiến trong lưu vực Bakken của Bắc Dakota và Montana. Ông là chủ tịch và là cổ đông lớn nhất của Continental, tập đoàn khai thác và sản xuất dầu mỏ hàng đầu trong khu vực, và từng là cố vấn cấp cao về năng lượng của ứng cử viên tranh cử Tổng thống đảng Cộng Hòa Mitt Romney.
Là con út trong một gia đình nghèo tại Oklahoma, Hamm đã tham gia vào việc kinh doanh dầu từ năm 18 tuổi, khi bán dầu lẻ trên một chiếc xe tải thùng. Sau đó, ông đã mạo hiểm vay 1.000 USD để kinh doanh dịch vụ dầu mỏ tại vùng nông thôn Ringwood, Oklahoma.
Bốn năm sau đó, vào năm 1967, Hamm đã kết hợp với một công ty dầu nhỏ có tên gọi la Shelly Dean và bắt đầu các dịch vụ khai thác dầu có quy mô. Shelly Dean là khởi đầu của những gì bây giờ là Continental Resurces, một trong những công ty thăm dò và sản xuất dầu độc lập lớn nhất tại Mỹ, và là nguồn gốc nhiều tỷ USD tài sản của Hamm.
Là một trong những người đầu tiên trong lĩnh vực khai thác dầu tại Bakken, công ty của Hamm đã bơm 50 triệu thùng dầu trong năm 2013, và năm 2014 tăng gần gấp 3 lần số đó. Công ty của ông có trụ sở tại TP. Oklahoma, đồng thời hoạt động tại Texas và Louisiana.
Hamm cũng là 1 trong 28 người giàu nhất nước Mỹ và là một trong những người ủng hộ và phát triển việc sử dụng kỹ thuật khoan ngang trong khác thác dầu đá phiến. Continental là tập đoàn khai thác lớn nhất Bakken, với 1,2 triệu mẫu Anh (4.800 km2) đang được tập đoàn này khai thác.
Quay trở lại vụ ly hôn gây xôn xao trên. Thông qua các luật sư của mình, bà Arnall (vợ cũ của Hamm) từ chối nhận khoản tiền này, vì bà muốn kháng cáo lại quyết định của tòa. Luật sư Michael Burage bảo vệ cho Ann Arnall bày tỏ sự ngạc nhiên khi “trong các cuộc ly hôn, thông thường người vợ sẽ được chia khoảng 25 - 30% tổng số tài sản gia đình sau kết hôn. Tại sao bà Ann lại chỉ nhận được khoảng 5% gia sản mà bà cũng có công đóng góp?”.
Arnall cho rằng, số tiền mặt và tài sản khoảng 1 tỷ USD mà tòa phán quyết bà được chia trong vụ ly dị này là không thỏa đáng, bởi ông Hamm đang sở hữu số tài sản ước tính trên 18 tỷ USD. Ann đòi chia số tiền nhiều hơn nữa bao gồm cả cổ phiếu Continental.
Vợ chồng ông Hamm kết hôn năm 1988 và không có thỏa thuận tiền hôn nhân. Bà Ann Arnall là một luật sư, một nhà kinh tế học và từng giữ các chức vụ cấp cao trong Continental trong nhiều năm. Trong 26 năm hôn nhân của cặp đôi này, giá trị của Continental đã tăng lên khoảng 400 lần. Vì lý do này, Ann quyết định kháng cáo, bởi bà khẳng định khối tài sản khổng lồ của chồng cũ có sự góp công lớn của mình.
Đáp lại, Hamm cũng đâm đơn lên tòa cho biết, ông thành lập công ty trước khi họ kết hôn năm 1988. Thêm nữa, tình trạng giá dầu trượt dốc như hiện nay cũng ảnh hưởng lớn tới khối tài sản của công ty ông. Hai tuần trước, Hammm đã nộp cho tòa một biểu đồ theo dõi sự suy giảm của giá dầu thô cũng như cổ phiếu của Continental và yêu cầu các thẩm phán theo dõi sát sao để có những phán quyết hợp lý trong vụ ly hôn đình đám này.
Khi tòa công bố phán quyết, giá cổ phiếu của Continental trong phiên giao dịch sau đó giảm 1,6%. Tới nay, giá cổ phiếu của công ty này giảm khoảng 30% do giá dầu thế giới liên tục giảm sâu.
Giá trị cổ phần mà Harold Hamm hiện đang nắm giữ trong Continental hiện ở mức khoảng 14 tỷ USD, giảm từ mức 18 tỷ USD trước khi vụ kiện bắt đầu.