Tiền không thiếu, chỉ thiếu lòng tin

Tiền không thiếu, chỉ thiếu lòng tin

(ĐTCK) Thị trường bất động sản ảm đạm trong thời gian dài vừa qua có phải do người mua không có tiền, hay còn vì một lý do nào khác nữa?

“Nguồn tiền đang tích trữ trong dân còn rất nhiều, họ không mua bất động sản không phải vì không có tiền mà vì tâm lý chờ đợi cơ hội tốt hơn mới quyết định mua vào”, đó là nhận định của ông Marc Towsend, Tổng giám đốc điều hành Công ty CBRE tại hội thảo “Khủng hoảng tạo nên cơ hội, đừng bỏ lỡ” tổ chức cuối tuần qua tại TP. HCM.

Ông Marc Towsend cho biết, năm 2011, doanh số bán xe ô tô tại Việt Nam tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Các thương hiệu xe ô tô như BMW, Mazda, Kia do Công ty VMC bán ra tăng 82,3% so với năm 2010.

“Doanh số bán xe ô tô tăng mạnh chứng tỏ người tiêu dùng Việt Nam có nhiều tiền để chi tiêu. Nhưng với bất động sản, hầu hết nhà đầu tư và người tiêu dùng chỉ đứng ngoài theo dõi tình hình. Giá vàng đang ở mức rất cao và một khi thị trường vàng có dấu hiệu sụt giảm thì nhiều người sẽ chuyển từ đầu tư vàng sang kênh đầu tư bất động sản”, ông Marc Towsend nhận định.

Đi vào từng phân khúc thị trường bất động sản TP. HCM, cụ thể là đối với phân khúc nhà ở, báo cáo của CBRE nhận định, năm qua, thị trường nhà ở như trải qua một cơn ác mộng. Dự án tung ra khá nhiều nhưng lượng tiêu thụ rất yếu.

Cụ thể, quý I/2010, lượng căn hộ tung ra thị trường 5.087 căn, nhưng tiêu thụ chỉ khoảng 2.000 căn; quý II tung ra gần 5.000 căn, tiêu thụ được 1.390 căn; quý III chào bán 1.096 căn, bán được 846 căn. Điều này có nghĩa, lượng hàng tồn kho của năm 2011 tiếp tục tăng cao và sẽ được chuyển thành nguồn cung của năm 2012.

 

Tâm lý chờ đợi giá sẽ giảm nữa của người mua khiến thị trường BĐS kém thanh khoản

Cũng vì gặp khó khăn, nên năm qua, thị trường bất động sản TP. HCM đã chứng kiến nhiều sự chuyển hướng. Nhiều dự án căn hộ đã chuyển từ căn hộ bán sang căn hộ cho thuê để xoay xở nguồn vốn. Điển hình cho xu hướng này là một số căn hộ cao cấp như dự án Đảo Kim Cương; The Vista; Bến Thành Land; XI Riverview; Saigon Mansion…

Bên cạnh đó, một số chủ dự án căn hộ đã giảm giá mạnh để tìm đầu ra cho sản phẩm, trong đó 3 dự án nổi bật là Dự án An Tiến (huyện Nhà Bè) giảm từ 20 - 25% so với giá gốc, kết quả là dự án dành được sự quan tâm của nhiều khách hàng.

Kế đến, Công ty TNHH Vạn Phúc Hưng giảm 22% giá bán căn hộ New Saigon (huyện Nhà Bè) cùng với chương trình hỗ trợ lãi suất, kết quả bán hàng khá tốt. Cũng quyết định giảm giá “khủng”, nhưng kết quả bán hàng lại rất kém là Dự án Petro landmark (quận 2). Lý do là dù dự án giảm giá đến 30%, nhưng vì đòi hỏi rút thăm và đấu giá, phương án thanh toán 100% ngay lập tức, nên cuối cùng rất ít người mua. Từ trường hợp này cho thấy, chính sách bán hàng là vô cùng quan trọng, không phải cứ giảm giá là hấp dẫn được khách hàng.

Theo nhận định của CBRE, năm 2012 thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng từ đây cũng hình thành nhiều cơ hội. “Không có một cuộc khủng hoảng nào trở nên vô nghĩa, khó khăn của một số người này cũng là cơ hội tuyệt vời cho một số người khác. Với những nhà đầu tư đang muốn gia nhập thị trường, thì thời điểm hiện tại được xem là cơ hội mua với giá khá thực”, ông Marc Towsend chia sẻ.

Tương tự, theo ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH), có thể nói thị trường bất động sản TP. HCM hiện nay đã chạm đáy. “Với mức giá sản phẩm được bán thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã bị ăn thâm vào vốn. Người mua nhà để ở hiện phân vân và mang nặng tâm lý chờ đợi giá giảm nữa.

Tuy nhiên, thực tế, với mặt bằng giá bán hiện nay,  ngay cả chủ đầu tư nói bán hòa vốn thôi cũng sẽ khó tái đầu tư được vào dự án khác”, ông Hiếu nói và cho rằng, thị trường đang trong giai đoạn sàng lọc, thanh lọc chủ đầu tư, xử lý nợ xấu, sau đó sẽ ổn định lại. Khi đó, sẽ hình thành mặt bằng giá mới chắc chắn cao hơn. Bởi trong bối cảnh lạm phát cao, đồng tiền mất giá thì giá căn hộ trên thực tế đã tăng lên rồi, chưa kể giá nguyên vật liệu bị “đội” lên liên tục theo thời gian.