Các dịch vụ, tiện ích thiết yếu hiện còn vắng bóng trong các khu công nghiệp. Ảnh: Thành Nguyễn

Các dịch vụ, tiện ích thiết yếu hiện còn vắng bóng trong các khu công nghiệp. Ảnh: Thành Nguyễn

Tiện ích khu công nghiệp: "Gà" chờ... đẻ trứng vàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu sử dụng các dịch vụ, tiện ích trong khu công nghiệp ngày càng cao đang mở ra một kênh đầu tư mới đầy tiềm năng.

Nhu cầu lớn

Làm việc cho một doanh nghiệp Nhật Bản tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) đã gần 6 năm nay, cứ mỗi chiều tan tầm, chị Hương lại phải vòng thêm một đoạn qua chợ cóc gần nơi làm việc để mua đồ ăn cho cả nhà. Quãng đường tuy không dài, nhưng cũng gây bất tiện.

Hay với anh Tuấn, phụ trách mảng truyền thông nội bộ cho một doanh nghiệp cũng trong khu công nghiệp này, trong thời gian giải lao, đổi ca, anh em đồng nghiệp muốn mời nhau ly cà phê cũng khó bởi phải ra khỏi khu công nghiệp để tìm quán.

Với một dự án quy mô khoảng 300 ha, có 85 doanh nghiệp và hàng chục nghìn lao động như Khu công nghiệp Thăng Long, việc chuyên tâm quy hoạch không gian chỉ phục vụ cho sản xuất cũng đã cho thấy không ít bất cập, khi người lao động muốn sử dụng các dịch vụ thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng, dược phẩm… mà chưa được đáp ứng kịp thời như câu chuyện của chị Hương, anh Tuấn là rất phổ biến.

Theo các chuyên gia, để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp thì hạ tầng xã hội giữ một vai trò quan trọng. Thực tế cũng chứng minh, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, việc chưa có được hạ tầng xã hội đủ tốt để người lao động đủ điều kiện tham gia sản xuất “3 tại chỗ” hay theo hình thức “2 điểm đến, 1 cung đường” là một trong những nguyên nhân tạo ra làn sóng “bỏ phố về quê” của người lao động trong khu công nghiệp.

Các chuyên gia cũng cho rằng, các dịch vụ, tiện ích trong khu công nghiệp nếu được bố trí tốt sẽ không chỉ giải quyết phần nào bài toán sản xuất tại chỗ khi có sự cố, tạo sự ổn định cho các khu công nghiệp, mà còn giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động cũng như người dân khu vực xung quanh.

Một nghiên cứu mới đây của Công ty cổ phần Long Hậu cho thấy, có 3 nhu cầu người lao động trong khu công nghiệp mong muốn được đáp ứng, đó là nhu cầu cơ bản (cửa hàng tiện lợi, siêu thị, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê…), nhu cầu sức khoẻ (trung tâm chăm sóc sức khoẻ, cửa hàng dược phẩm…) và nhu cầu đào tạo (trường học cho con em công nhân, trung tâm ngoại ngữ…)

Trong đó, có 60% doanh nghiệp mong muốn có thêm dịch vụ cung cấp suất ăn chất lượng hơn và giao hàng tận nơi; 40% doanh nghiệp có bếp ăn tại công ty có nhu cầu về thực phẩm, văn phòng phẩm... Ngoài ra, nhu cầu về trung tâm chăm sóc sức khoẻ tại khu công nghiệp cũng tăng cao, nhất là khi doanh nghiệp và người lao động vừa sản xuất, vừa phòng dịch như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó giám đốc Xúc tiến đầu tư của Công ty Long Hậu, gần 200 doanh nghiệp và trên 25.000 người lao động tại Khu công nghiệp Long Hậu (xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) là một thị trường lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, tiện ích khai thác. Cùng với đó là trên 80.000 người dân thuộc 3 xã Long Hậu, Long Thới và Hiệp Phước cũng là nguồn khách hàng tiềm năng cho các dịch vụ, tiện ích được phát triển trong khu công nghiệp.

Mảnh ghép hoàn hảo cho hệ sinh thái khu công nghiệp

Đánh giá về việc triển khai các dịch vụ, tiện ích trong khu công nghiệp, ông Vũ Công Trụ, chuyên gia bất động sản khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư cho rằng, triển vọng của việc phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích trong khu công nghiệp là rất lớn đối với cả chủ đầu tư và khách thuê mặt bằng kinh doanh. Đặc trưng của thị trường với hàng chục, hàng trăm nghìn người tập trung quanh một khu vực chỉ vài chục ki-lô-mét vuông này (tương ứng một khu công nghiệp 200 ha hoặc nhiều khu công nghiệp lân cận nhau tổng quy mô vài ngàn héc-ta) là nguồn cầu sẵn có và ngày càng đòi hỏi cao, loại hình kinh doanh đa dạng, tỷ suất lợi nhuận cao, thời gian hoàn vốn nhanh, môi trường kinh doanh an toàn.

Theo ông Trụ, đối với khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy cao hoặc có công ty đa quốc gia đến đầu tư thì điểm thuận lợi ở đây là nguồn cầu về tiện ích sinh hoạt rất lớn, dẫn đến việc các chủ đầu tư khu công nghiệp và đơn vị cung cấp tiện ích thúc đẩy nhanh các hoạt động kinh doanh này, từ đó thúc đẩy nguồn cung tăng nhanh và sẽ tiến tới hình thành một thị trường cung ứng dịch vụ công nghiệp hoàn chỉnh ngay tại khu công nghiệp và khu vực xung quanh. Ngược lại, khó khăn của các khu công nghiệp này là khó chủ động điều phối các bên cung cấp liên quan trong suốt thời gian vận hành để đảm bảo duy trì chất lượng dịch vụ.

Với khu công nghiệp đang ở giai đoạn xây dựng ban đầu, việc cần làm trước mắt là căn cứ vào yếu tố địa lý kinh tế và điều kiện thị trường của khu vực để tiến hành quy hoạch ngay các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh vận hành của khu công nghiệp theo hướng đáp ứng tối đa yêu cầu của các khách thuê sản xuất cũng như các khách thuê kinh doanh thương mại, dịch vụ.

Về giải pháp thực hiện, theo ông Trụ, một mặt cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư trọng tâm tới các khách thuê mục tiêu - tìm và thu hút đúng được khách thuê “mỏ neo”, mặt khác phát triển các dịch vụ, tiện ích cốt lõi của mình và tìm kiếm/lựa chọn/liên kết các nhà cung cấp/nhà thầu có năng lực để đảm bảo chất lượng và tiến độ hoàn thiện.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhận thấy tiềm năng từ việc phát triển các dịch vụ, tiện ích trong khu công nghiệp, nhiều chủ đầu tư đã tập trung hơn vào mảng dịch vụ mới này.

Đơn cử, Công ty Long Hậu đang đẩy mạnh mảng dịch vụ, tiện ích khu công nghiệp với nhiều giải pháp thu hút khách thuê mặt bằng để phát triển các mô hình kinh doanh. Theo đó, khách thuê sẽ được Long Hậu hỗ trợ tiếp cận kết hợp bán hàng tại chỗ và giao hàng với những chính sách ưu đãi riêng cho nhóm khách hàng doanh nghiệp và khách hàng đơn lẻ. Các khách thuê còn được hỗ trợ kết nối, truyền thông đến các doanh nghiệp và người lao động trong khu công nghiệp qua các kênh truyền thông online và trực tiếp.

Cùng với đó, Long Hậu cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động thường niên như Long Hậu Supplier Day, hội chợ Tết cho người lao động, tuần lễ sản phẩm Hàn Quốc, Nhật Bản, hội thao khu công nghiệp…, góp phần kết nối các đơn vị cung cấp dịch vụ, tiện ích với doanh nghiệp và người lao động.

Hay tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (Đồng Nai) của Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), dịch vụ nhà hàng, tổ chức tiệc cưới đã được cung cấp tới người lao động. Theo đại diện IDICO, đầu tư cho dịch vụ, tiện ích khu công nghiệp là một lĩnh vực đầy tiềm năng, do vậy, thời gian tới, IDICO sẽ thí điểm mô hình này ở Khu công nghiệp Hựu Thạnh (Long An). Trước mắt, IDICO sẽ cho thuê mặt bằng kinh doanh để cung cấp các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí… ngay trong khu công nghiệp, khách hàng hướng tới là người lao động và người dân khu vực lân cận.

“Chiến lược của IDICO là tạo hệ sinh thái khép kín trong khu công nghiệp. Theo đó, IDICO sẽ phát triển khu công nghiệp gắn kết với dịch vụ, đáp ứng nơi ăn, chốn ở phù hợp, giúp người lao động yên tâm làm việc. Đây cũng là định hướng cho các khu công nghiệp của IDICO trong tương lai”, vị đại diện trên chia sẻ thêm.

Ông Lê Bảo Chân Thiện, Giám đốc cấp cao Khối Bất động sản Pharmacity cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người dân nói chung, người lao động tại các khu công nghiệp nói riêng ngày càng quan tâm đến chăm sóc sức khỏe, phòng và chữa bệnh, ví dụ việc test nhanh Covid-19 đang là nhu cầu rất lớn của người lao động, doanh nghiệp, cho nên Pharmacity đang tập trung triển khai các nhà thuốc, trung tâm chăm sóc sức khỏe trong các khu công nghiệp.

“Các sản phẩm y tế như khẩu trang, thực phẩm chức năng, vitamin ngày càng được sử dụng phổ biến hơn. Do đó, Pharmacity đang hướng đến việc cung cấp các dịch vụ xét nghiệm định kỳ, các sản phẩm y tế cho người lao động trong các khu công nghiệp qua việc đặt các nhà thuốc ngay trong khu vực sản xuất để phục vụ người lao động”, ông Thiện nói.

Tin bài liên quan