Mặt bằng lãi suất huy động giảm 1 - 1,2%/năm
Techcombank đang niêm yết lãi suất huy động 7,3%/năm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. ACB niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng ở mức 7,5%/năm. Saigonbank huy động tiền gửi các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 24 tháng lần lượt là 7,6%/năm, 7,7%/năm, 8%/năm, 7,6%/năm.
Hiện tại, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cao nhất là 8,8%/năm được áp dụng tại ABBank và OCB; tiếp đến là 8,7%/năm tại Viet A Bank, 8,6%/năm tại Bac A Bank, VietBank, HDBank.
Nhìn chung, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng giảm khá mạnh 2 tháng qua, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước điều giảm lãi suất điều hành giữa tháng 3 và đầu tháng 4/2023. Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm, giúp các ngân hàng có điều kiện giảm thêm lãi suất đầu vào và đầu ra.
Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, sau khi giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng hiện giảm khoảng 1 - 1,2%/năm; mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,5 - 0,65%/năm. Trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước có lãi suất huy động giảm 1 - 1,5%/năm, lãi suất cho vay giảm 1,5 - 2%/năm.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hợp lý và bảo đảm được mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm sự hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất. Trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo, định hướng, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm lãi suất, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân vay vốn.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, mặt bằng lãi suất đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Hiện tại là thời điểm thích hợp để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Lực dự báo, từ nay đến cuối năm 2023, cơ quan này sẽ không tăng lãi suất, sau khi đã có 10 đợt tăng nhanh trong giai đoạn tháng 3/2022 đến tháng 5/2023, từ 0 - 0,25%/năm lên 5 - 5,2%/năm, mức cao kỷ lục trong 16 năm qua.
“Nếu tình hình kinh tế của Mỹ, của thế giới xấu đi thì khả năng họ (Fed) bắt đầu đảo chiều lãi suất vào đầu năm tới. Đó là tín hiệu tích cực đối với kinh tế Việt Nam”, ông Lực nói.
Tiền gửi tiết kiệm cá nhân vẫn tăng
Hiện mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là xấp xỉ 9%/năm cho kỳ hạn dài và từ 8%/năm trở xuống cho kỳ hạn dưới 1 năm, nhưng cũng chỉ có một vài ngân hàng áp dụng.
Ông Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 27/4/2023, hoạt động huy động vốn của các tổ chức tín dụng khá tốt, đạt 12,4 triệu tỷ đồng, bằng 101% dư nợ cho vay (tín dụng tăng 3,04% so với cuối năm 2022), thanh khoản hệ thống dồi dào.
Trước đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các tổ chức tín dụng cuối tháng 2/2023 là gần 11,8 triệu tỷ đồng, giảm hơn 23.800 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tương đương giảm 0,2%. Nguyên nhân là do tiền gửi của các doanh nghiệp giảm hơn 338.000 tỷ đồng (giảm 5,68%). Tiền gửi của nhóm khách hàng này giảm trong những tháng đầu năm không bất ngờ, do yếu tố mùa vụ Tết Nguyên đán, chi trả lương tháng 13 và thưởng cho người lao động. Tuy nhiên, mức giảm tiền gửi tổ chức kinh tế 2 tháng đầu năm nay là mạnh nhất trong 3 năm gần đây, phần nào phản ánh tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp. Không ít khách hàng hạn chế vay vốn do lãi suất tăng cao, đồng thời rút bớt tiền gửi để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.
Ngược lại, kể từ khi lãi suất huy động bật tăng từ cuối năm 2022, tiền nhàn rỗi của người dân liên tục chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng, còn dòng tiền vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản dần co hẹp. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng tiền gửi ngân hàng của người dân tăng thêm hơn 314.000 tỷ đồng (tăng 5,36%), đánh dấu 15 tháng liên tiếp tăng trưởng dương.
Thực tế cho thấy, giai đoạn cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, lãi suất huy động của các ngân hàng ở mức cao, từ 9 - 11%/năm, đã thu hút người gửi tiền. Khách hàng có xu hướng chuyển tiền gửi không kỳ hạn (tiền gửi thanh toán) sang có kỳ hạn để có lãi nhiều nhất.
Theo đó, đến cuối tháng 2/2023, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư đạt gần 6,18 triệu tỷ đồng, vượt tiền gửi của các tổ chức kinh tế (5,61 triệu tỷ đồng). Lãnh đạo một số ngân hàng chia sẻ, động lực tăng trưởng chính của huy động vốn trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 chủ yếu đến từ mảng bán lẻ (khách hàng cá nhân). Chẳng hạn, tăng trưởng huy động vốn quý I/2023 từ mảng bán lẻ của VPBank đạt 12%, giúp tổng tiền gửi khách hàng tăng 9%. Tại MB, trong 3 tháng đầu năm 2023, tiền gửi của cá nhân tăng 10,6% trong khi tiền gửi của doanh nghiệp giảm 8,4%...
Đến tháng 4/2023, làn sóng hạ lãi suất mới bắt đầu diễn ra, sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành.
Mặc dù bảng lãi suất tiết kiệm mà các ngân hàng niêm yết trên website giảm, song vẫn tồn tại tình trạng thỏa thuận “ngầm” khi lãi suất được cộng thêm từ 0,5-1%/năm cho cá nhân gửi tiền tại quầy và kể cả online, nếu gửi nhiều. Các ngân hàng kỳ vọng, việc này sẽ thu hút được nguồn tiền gửi bù đắp vốn huy động từ tổ chức kinh tế giảm trong bối cảnh áp lực lãi vay tăng và hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.
Lãi suất điều hành có thể giảm thêm 0,5%
Về xu hướng lãi suất thời gian tới, nhiều chuyên gia tài chính dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm thêm lãi suất điều hành 0,5%/năm, về quanh mức 5%/năm vào cuối năm nay, tiến tới giảm còn 4%/năm vào năm 2025.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô gần đây về Việt Nam, Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 từ 7,2% xuống 6,5%, do xuất khẩu tháng 4 giảm 17,1%, nhập khẩu giảm 20,5% và sản xuất công nghiệp chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu giảm 11,8%, nhập khẩu giảm 15,4% so với cùng kỳ. Standard Chartered dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 0,5%, xuống 5% vào cuối quý II/2023 và duy trì cho đến cuối năm 2025.
Nếu lãi suất điều hành tiếp tục được cắt giảm sẽ tác động tích cực lên mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay. Lãi suất tiền gửi được dự báo trở về mức trước đại dịch Covid-19 sẽ kích hoạt dòng tiền vào các kênh đầu tư khác, khiến tiền gửi tiết kiệm ngân hàng giảm.