Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 9/2023, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) của toàn hệ thống là 76,67%, con số này còn thấp khá xa so với trần tối đa là 85%.
LDR ở khối ngân hàng thương mại nhà nước là 82,23%, ở khối ngân hàng thương mại cổ phần là 78%, ở khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài là 42,5%...
Sở dĩ tỷ lệ LDR của các ngân hàng ở mức thấp là do tín dụng tăng chậm trong khi tiền gửi dân cư tiếp tục tăng mạnh.
Đến hết tháng 8, lượng tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng tiếp tục đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tổ chức kinh tế gửi tiền vào ngân hàng cũng tăng trở lại sau khi giảm tháng trước.
Cụ thể, trong tháng 8, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng gần 44.000 tỷ đồng. Con số này tăng 6,5 lần so với tháng 7 và là mức tăng theo tháng cao nhất, nếu so với cùng kỳ nhiều năm qua.
Tính chung 8 tháng, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 9,7% so với đầu năm, đây cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.
Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng cũng tăng thay vì giảm như tháng 7/2023. Tính đến hết tháng 8, tiền gửi của các tổ chức ở mức 6,013 triệu tỷ đồng, tăng hơn 1% so với cuối năm ngoái.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường rất thấp, chỉ 5,1- 5,7%/năm tùy theo ngân hàng.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, điều hành lãi suất thời gian tới sẽ theo hướng ổn định, hạ thêm nữa khi có điều kiện, kể cả lãi suất điều hành cũng có thể giảm thêm nếu điều kiện phù hợp.
Trao đổi với báo Đầu tư, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, sở dĩ lãi suất giảm nhưng người dân vẫn tăng gửi tiền vào ngân hàng do nền kinh tế vẫn còn nhiều gam màu tối và nhà đầu tư không dám “tất tay”, mà vẫn dành một phần gửi tiết kiệm.