Tiền gửi không kỳ hạn hồi phục khi mặt bằng lãi suất giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi lãi suất huy động bắt đầu hạ nhiệt kể từ cuối quý I/2023 và dần giảm mạnh đến nay thì nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại phần lớn ngân hàng đã có dấu hiệu phục hồi trong quý II/2023.
Tiền gửi không kỳ hạn hồi phục khi mặt bằng lãi suất giảm

Lãi suất tiết kiệm giảm sâu

VNDirect cho rằng, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6,0-6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023.

Nguyên nhân do tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của NHNN; tăng trưởng tín dụng chậm chạp trong 6 tháng đầu năm 2023 giúp giảm bớt áp lực huy động vốn; Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế; và NHNN vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.

Thực tế cũng cho thấy, các ngân hàng đã mạnh tay cắt giảm lãi suất huy động có kỳ hạn. Như tại NCB, ngân hàng thay đổi biểu lãi suất huy động từ hôm nay (11/8), giảm 0,1 điểm % ở loạt kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại ngân hàng chỉ còn 7%/năm. Lãi suất 12 tháng, 13 tháng là 7,3%/năm, cũng là mức cao nhất tại NCB. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng giảm xuống 7%/năm.

ACB cũng vừa áp dụng biểu lãi suất mới, giảm cả các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, đối với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng cao nhất chỉ còn 4,25%/năm, giảm 0,25 điểm % so với trước. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng cũng giảm 0,1 điểm % xuống 6,1-6,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm xuống 6,2-6,5%/năm.

Biểu lãi suất của các ngân hàng đầu tháng 8/2023 cho thấy, lãi suất tiết kiệm tại quầy giảm từ 0,1 đến 0,7%/năm so với đầu tháng 7. Hiện không còn ngân hàng nào niêm yết mức lãi suất 8%/năm.

Lãi suất phổ biến cho kỳ hạn 1 năm khoảng 6,3 - 7,8%/năm. Riêng với kỳ 6 tháng, có ngân hàng quốc doanh giảm về 5%/năm, tương đương lãi suất thời điểm dịch Covid-19.

Trước xu hướng mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm, nguồn tiền nhàn rỗi không còn dồn về ngân hàng, mà chuyển dịch sang chứng khoán… Tháng 5/2023, tiền gửi của người dân tại ngân hàng tăng khoảng 14.700 tỷ đồng, thấp hơn mức tăng bình quân trên 110.000 tỷ đồng mỗi tháng giai đoạn 4 tháng đầu năm.

Đây là số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố và cũng là mức tăng theo tháng thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Tuy nhiên, nếu tính chung 5 tháng đầu năm nay, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 8,2% so với đầu năm. Đây là mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ vài năm trở lại đây, xét cả về giá trị tuyệt đối và tương đối.

Giới phân tích cho rằng, chứng khoán sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn khi lãi suất tiền gửi giảm xuống trong thời gian tới. Theo đó, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng có thể về mức 6,5 - 6,8%/năm vào cuối năm 2023 và thấp hơn nữa trong năm 2024.

Vì thế, khó tránh được việc dòng tiền của nhà đầu tư có thể dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư khác để hưởng lợi suất cao hơn và xu hướng này sẽ rõ nét hơn trong giai đoạn cuối năm 2023.

Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn hồi phục

Đáng chú ý là khi tiền gửi tiết kiệm giảm, nguồn tiền có dấu hiệu chuyển hướng sang thị trường chứng khoán nên nhà đầu tư có nhu cầu để tiền trong tài khoản thanh toán để dễ dàng chủ động, thay vì gửi tiền có kỳ hạn.

Theo dữ liệu từ Wigroup, tỷ lệ CASA của nhóm ngân hàng đã giảm từ 20,34% cuối năm 2022 về 17,56% vào cuối quý I và phục hồi lên 18,09% ở cuối quý II/2023. Trong 29 nhà băng đã công bố báo cáo tài chính, có 21 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA chạm đáy vào quý I sau đó tăng trở lại vào thời điểm cuối quý II.

Cụ thể, tỷ lệ CASA của MB và Techcombank, hai nhà băng dẫn đầu về CASA, cũng đã ghi nhận biến chuyển tích cực so với quý đầu tiên. So với cuối năm ngoái, thứ hạng về tỷ lệ CASA của 10 nhà băng hàng đầu không thay đổi. MB vẫn giữ vị trí quán quân về CASA trong khi Techcombank đã thu hẹp khoảng cách.

Các vị trí còn lại trong Top 10 lần lượt thuộc về Vietcombank, MSB, ACB, VietinBank, Sacombank, BIDV, TPBank và PGBank.

Nếu xét về số dư tiền gửi không kỳ hạn, tính đến cuối quý II/2023, Vietcombank giữ vị trí hàng đầu, với gần 384.000 tỷ đồng (tỷ lệ CASA đạt 29%). Hai đại diện khác từ Big4 là BIDV và VietinBank lần lượt chiếm vị trí số 2 và 3, với số dư khoảng 257.000 tỷ đồng và 244.000 tỷ đồng.

MB, quán quân về tỷ lệ CASA, đứng vị trí thứ 4 với gần 174.000 tỷ đồng tiền gửi. Vị trí số 5 thuộc về đại diện cuối cùng trong nhóm Big4 - Agribank - với hơn 165.000 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn.

Trong nhóm Big4, trừ Vietcombank, tỷ lệ CASA của BIDV và VietinBank đã bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức cao và nền kinh tế gặp nhiều biến động, tính đến cuối tháng 6/2023, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại hầu hết ngân hàng đều giảm so với cuối năm ngoái. MSB là ngân hàng có mức sụt giảm tỷ lệ CASA nhiều nhất trong nửa đầu năm nay, từ 31% xuống 24,2%.

Sở dĩ CASA của ngân hàng giảm mạnh trong gần 1 năm qua, do lãi suất huy động có xu hướng tăng mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh nâng lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2023. Lãi suất tăng khiến người dân ít lựa chọn để dư tiền nhàn rỗi hơn trước mà gửi tiết kiệm có kỳ hạn để được hưởng lãi suất cao.

Nhưng sang năm 2023, NHNN đã liên tục cắt giảm lãi suất 4 lần, kéo theo lãi suất huy động của các ngân hàng đi xuống kể từ cuối quý I/2023, CASA cũng ghi nhận sự phục hồi tại đa số ngân hàng. Vì thế, Techcombank cho rằng, nếu điều kiện thuận lợi, tỷ lệ CASA của nhà băng này có thể trở lại mốc 40%.

VCBS cho rằng, xu hướng lãi suất hạ nhiệt hiện nay có thể tiếp tục hỗ trợ cho tỷ lệ CASA vào nửa cuối năm. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế - tài chính, nhiều khả năng cuối năm nay Fed dừng tăng lãi suất và có thể giảm lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán.

Đây là cơ hội để NHNN giảm thêm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi theo TS Nghĩa, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 14-15%/năm, bất chấp NHNN đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành.

Ngân hàng HSBC cũng đưa ra nhận định, lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, NHNN có thể giảm thêm 50 điểm cơ bản lãi suất trong quý III/2023, nhưng sẽ là lần cắt giảm lãi suất cuối cùng trong chu kỳ nới lỏng hiện tại.

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm sẽ là điều kiện để CASA hồi phục, nhất là khi dòng tiền tiết kiệm đang có chiều hướng chuyển sang chứng khoán... Điều này cũng sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận của ngân hàng. Bởi lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng lên giúp ngân hàng giảm được chi phí huy động vốn giá cao.

Tin bài liên quan