Một trong các khu vực sẽ đắp đặp ngăn mặn cứu hoa màu tại Tiền Giang. Ảnh PLO
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Long An cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải thi công công trình cấp bách ngăn mặn tại 13 cửa cống do Sở này quản lý trên tuyến Quốc lộ 62. Nguồn vốn thực hiện các công trình này lấy từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ chống hạn, mặn.
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã có yêu cầu phía Long An đắp các con đập này để cứu hơn 16.000 héc-ta dứa có nguy cơ bị thiệt hại do nhiễm mặn và phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Đang trong quá trình khảo sát để nghiên cứu triển khai thực hiện, tỉnh Long An nhận được dự báo từ Viện Khoa học thủy lợi miền Nam là vào đầu tháng 4, độ mặn trên sông Vàm Cỏ Tây sẽ giảm cộng với việc nước ngọt từ đầu nguồn sông Mêkong sẽ về nên tỉnh đã tạm ngưng để tiếp tục theo dõi tình hình thủy văn, tránh gây lãng phí đầu tư.
Ông Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, qua theo dõi thấy độ mặn trên sông Vàm Cỏ Tây không giảm mà tiếp tục tăng nên tỉnh đã chỉ đạo các ngành cấp bách triển khai xây dựng các con đập ngăn mặn để phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và hạn chế thiệt hại cho nông dân các vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Long An và Tiền Giang.
Thông tin trên báo chí cho rằng, Long An từ chối đắp đập ngăn mặn giúp tỉnh Tiền Giang là hoàn toàn không chính xác. Việc đắp các con đập ngăn mặn này không chỉ giúp cho Tiền Giang mà còn giúp giảm thiệt hại cho nghìn hộ dân của tỉnh Long An.
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cũng cho hay, Sở đã họp với huyện Thạnh Hoá để bàn phương án thi công, ngày 7/4 sẽ tiến hành khởi công xây dựng các con đập ngăn mặn theo chỉ đạo của UBND tỉnh.