Mới cổ phần hóa được 2/85 doanh nghiệp
Tình trạng chậm trễ trong triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không có gì mới. Điều này thể hiện qua diễn biến trong năm 2017 khi còn tới 21 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch, dẫn đến tăng sức ép cho năm nay.
Điều đáng nói là sự chậm trễ trong triển khai cổ phần hóa đang ngày càng đáng báo động. Theo cập nhật của Bộ Tài chính, trong quý I/2018, cả nước chỉ có 2 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà phê Phước An - Đăk Nông và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vạn Tường, với tổng giá trị doanh nghiệp là 987 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 187 tỷ đồng.
Sự chậm trễ trên đang gây áp lực cho nỗ lực hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa đề năm ra cho nay với số lượng doanh nghiệp lớn. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, có khả năng năm nay sẽ đi vào “vết xe đổ” không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa như năm trước.
Theo Bộ Tài chính, ngoài 64 doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2018 như lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn 991/2017, năm nay còn phải cổ phần hóa 21 doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hoá theo kế hoạch năm 2017 chuyển sang. Tổng số doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm nay lên tới 85 doanh nghiệp.
Khoảng hở pháp lý
Bên cạnh nguyên do cổ phần hóa đang đi vào giai đoạn triển khai tại nhiều doanh nghiệp lớn, với cơ cấu tài sản phức tạp khiến cho quá trình xác định giá trị doanh nghiệp kéo dài và sức cầu của thị trường hạn chế… dẫn tới tiến độ cổ phần hóa chững lại, còn một yếu tố nữa là quy định pháp lý đang có những khoảng hở, khiến các bên lo ngại trong quá trình tổ chức triển khai.
Thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016”, mới đây Đoàn giám sát của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và những thách thức trong quá trình thực hiện”.
Tại đây nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho quá trình thực hiện cổ phần hóa nhà nước, trong đó có việc sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Trần Quang Chiểu cho rằng, một số nội dung tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần thuộc thẩm quyền của Quốc hội như quy định liên quan đến ngân sách, đất đai, việc sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp...
Vì vậy, cần sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để bổ sung những quy định này, đồng thời cần sớm nghiên cứu ban hành luật về cổ phần hóa để giải quyết những vướng mắc hiện nay.
Cùng góc nhìn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho rằng, đây không phải vấn đề mới đặt ra, mà trong quá trình giám sát của Quốc hội nhiều nhiệm kỳ qua đã đề cập đến.
Do nhiều vấn đề mà Chính phủ ban hành trong nghị định, nghị quyết hay quyết định thuộc tầm của luật, trách nhiệm của Quốc hội như các vấn đề liên quan đến ngân sách, đất đai nên thời gian tới, trong lúc chưa có luật thì sau giám sát, Quốc hội cần ban hành nghị quyết về tình hình công tác cổ phần hóa và quản lý vốn của nhà nước tại doanh nghiệp để giải quyết những vấn đề vướng mắc.
Bên cạnh đó, tiến tới nghiên cứu để sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, hoặc sửa đổi chương về doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp theo hướng bổ sung quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Thực hiện Chương trình Giám sát của Quốc hội năm 2018, về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016", Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với 9 bộ ngành, 8 địa phương, 12 tập đoàn, một số tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước.
Sau khi tập hợp báo cáo của các bộ, ngành và 63 địa phương, cũng như của các đoàn đại biểu quốc hội ở địa phương, Đoàn giám sát vừa hoàn thành Dự thảo Báo cáo giám sát cũng như Nghị quyết của cuộc giám sát này.
Báo cáo giám sát về chuyên đề này vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 23 đang diễn ra. Đoàn giám sát tiếp tục hoàn chỉnh Báo cáo để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp diễn ra.