Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: MPI
Sáng 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2024, kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Hồng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, luôn đi đầu trong thực hiện các đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng trưởng kinh tế vượt mức bình quân chung cả nước và vượt vùng Đông Nam bộ; tiếp tục dẫn đầu về thu ngân sách nhà nước, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài.
“Với nhiều kết quả nổi bật đạt được về phát triển kinh tế nêu trên, có thể khẳng định vị thế, vai trò là vùng động lực, định hướng, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của cả nước và“là một trong các vùng đi tiên phong bước vào Kỷ nguyên mới”, Bộ trưởng nói.
Đáng chú ý, nhiều dự án, công trình trọng điểm trong vùng được triển khai, xây dựng, tạo thuận lợi cho kết nối nội vùng, liên vùng, một số dự án giao thông lớn, trọng điểm đã hình thành hành lang kinh tế dọc theo các công trình, dự án như: Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đoạn đi trên cao); Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B Quảng Ninh - Lạng Sơn, đoạn qua tỉnh Quảng Ninh; nâng cấp, mở rộng nhà ga quốc tế T2 - CHKQT Nội Bài,...
Cập nhật tình hình triển khai một số dự án quan trọng, liên kết vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá đã có chuyển biến rõ rệt đặc biệt.
Theo đó, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 dự án trong năm 2024 gồm: Dự án cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, vượt tiến độ 5 tháng; Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định.
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại 8,5 km đoạn đi trên cao từ tháng 11/2024; khởi công máy khoan hầm số 2 từ tháng 1/2025.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã giải phóng mặt bằng và bàn giao được đạt 97,6% trên toàn tuyến. Các dự án thành phần xây dựng xây dựng đường song hành đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Đối với dự án thành phần 3 (dự án PPP), đã hoàn thành hồ sơ thiết kế Tiểu dự án đầu tư công; phát hành Hồ sơ mời thầu lựa chọn Nhà đầu tư, phấn đấu khởi công trong Quý II/2025.
Các dự án đầu tư xây dựng các bến container tại thuộc cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng tại Khu bến cảng Lạch Huyện (bến số 3, 4, 5, 6):
(i) Dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, số 4: Tổng giá trị hoàn thành 90% khối lượng dự án, trong đó đã hoàn thành bến container số 3 và số 4 (vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng). Các hạng mục thi công còn lại và cung cấp thiết bị cũng đang được gấp rút triển khai để hoàn thành vào quý I/2025 và đưa vào khai thác trong năm 2025;
(ii) Dự án đầu tư xây dựng các bến container số 5, số 6: Tổng giá trị hoàn thành ước đạt khoảng 86% giá trị tổng mức đầu tư. Phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác vào quý I/2025.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý một số dự án cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định, tỉnh Thái Bình theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự án đã hoàn thành thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư. Hiện đã hoàn thành lập, phê duyệt Hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư và phát hành ngày 12/11/2024; dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư vào cuối tháng 1/2025, khởi công dự án trong tháng 2/2025.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư. Hiện nay, UBND tỉnh Ninh Bình đang tập trung chỉ đạo Chủ đầu tư, Tư vấn hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, dự toán gửi Bộ Giao thông vận tải để thẩm định. Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư đang được tỉnh Ninh Bình đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành phương án đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua thành phố Hải Phòng, một phần tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (khoảng 33,5 km) trên địa bàn thành phố Hải Phòng, tỉnh Thái Bình đang được Hải Phòng đầu tư xây dựng và khoảng 6,7 km chưa được đầu tư.
UBND thành phố Hải Phòng đã hoàn thành lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với các đoạn tuyến chưa được đầu tư nêu trên. Để có cơ sở triển khai thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao TP. Hải Phòng là cơ quan chủ quản để thực hiện đầu tư đối đoạn tuyến nêu trên theo quy định của Luật Đường bộ năm 2024.
Đối với các dự án tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, 2 dự án gồm Xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng HKQT Cát Bi và Mở rộng sân đỗ máy bay - Cảng HKQT Cát Bi, giai đoạn 2 (điều chỉnh) đã hoàn thành thủ tục đầu tư; chưa khởi công do chưa được bàn giao mặt bằng.
Dự án xây dựng nhà ga hàng hóa - Cảng HKQT Cát Bi đã khởi công (tháng 11/2024), chưa được bàn giao mặt bằng đầy đủ để triển khai đồng bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị TP. Hải Phòng khẩn trương bàn giao mặt bằng cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để triển khai công tác thi công xây dựng đảm bảo tiến độ chung của các dự án.