Vào ngày 17/12/2017, giá của đồng Bitcoin trên CoinMarketCap đạt gần 20.000 USD/Bitcoin. Không ít nhà đầu tư kỳ vọng đây chỉ là điểm khởi đầu. Một ngân hàng đầu tư tại Đan Mạch công bố báo cáo dự báo, Bitcoin có thể đạt ngưỡng 100.000 USD vào cuối năm 2018.
Hiện tại, năm 2018 chưa qua, nhưng giá của đồng tiền điện tử này đã rơi xuống mức 4.223 USD và tiếp tục xu hướng giảm. Ether – đồng tiền điện tử phổ biến thứ hai sau Bitcoin, cũng giảm từ mức 1.432 USD/Ether vào tháng 1/2018 xuống còn 120 USD/Ether hiện tại.
Diễn biến giá Bitcoin.
Diễn biến này đánh dấu lần thứ 3 thị trường tiền điện tử “xì hơi” (2 lần khác vào năm 2011 và 2013). Nguyên nhân của đà giảm không rõ ràng, nhưng có điều dễ nhận thấy là các nhà đầu tư dù dũng cảm đến mức nào đều đã có phần mỏi mệt. Đi cùng với những lần thị trường lao dốc là làn sóng bán tháo của các nhà đầu tư trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Thực tế, dù chưa cho phép giao dịch tiền kỹ thuật số, nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường này khá tích cực và vì vậy, số lượng nhà đầu tư thua lỗ cũng… không ít.
Không có con số thống kê chính thức, nhưng theo quan sát của một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm tại thị trường tiền điện tử, một lượng vốn đáng kể đã bị rút ra khỏi thị trường bởi các nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ. Hoạt động “đào coin” cũng chịu chung cơn khủng hoảng, bởi nếu giá Bitcoin giảm mạnh, chuyện đào coin không còn khả thi về mặt kinh tế.
“Hiện nay, tham gia thị trường tiền điện tử chủ yếu là nhà đầu tư cũ, những cá nhân còn kẹt hàng chưa bán được, hầu như khó kiếm những gương mặt mới”, nhà đầu tư trên nói.
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới việc giá trị của các đồng tiền kỹ thuật số giảm mạnh là bởi các giá trị cốt lõi khiến nhà đầu tư đặt niềm tin trở nên mờ nhạt.
Cụ thể, tiền số ra đời với mục tiêu hướng tới thị trường tài chính tự do, nhưng gần 10 năm qua, ứng dụng lớn nhất của các đồng tiền này là đầu cơ, không đi vào thực tế đời sống. Bên cạnh đó, ban đầu, ưu điểm của tiền số là khan hiếm, không định danh, không bắt buộc nhưng hiện tại, sau nhiều đợt phân tách, tính khan hiếm bị nghi ngờ và có dấu hiệu “in giấy lấy tiền”.
“Số lượng phân tách vẫn chưa dừng lại, người giữ đồng tiền cũ sẽ có thêm tiền, nên nhà đầu tư mới cảm thấy bất công và tính toàn vẹn của tiền số mất đi”, ông Khánh nói.
Tuy nhiên, đây cũng là một yếu tố tạo động lực hồi phục cho tiền điện tử trong ngắn hạn. Cụ thể, theo các chuyên gia phân tích, nhà đầu tư hiện đang đặt cược vào việc phân tách đồng tiền kỹ thuật số.
Khi một số nhà phát triển Bitcoin quyết định thực hiện nâng cấp, các nhà đầu tư tại thời điểm đó sẽ nhận được một số tiền bằng nhau của sản phẩm tách ra và không ít nhà đầu tư mong chờ vào số tiền này. Dù vậy, trong trung hạn, xu hướng giảm giá của các đồng tiền điện tử chưa thay đổi, vì không có dòng tiền mới tham gia thị trường trước các lo ngại rủi ro.
“Để trả lời câu hỏi bao giờ thị trường đạt đáy và quay đầu leo dốc, theo tôi, cần phải trải qua một sự thay máu lớn, nhiều đồng tiền và token biến mất, chỉ những dự án có giá trị thật sự với thực tế cuộc sống, do các tổ chức uy tín phát hành mới có thể tồn tại. Thị trường chỉ có thể khôi phục khi có sự tham gia của các dòng tiền mới”, ông Khánh nói.
Một số chuyên gia cho rằng, sau thời gian phát triển “nóng”, thị trường tiền điện tử thời gian tới sẽ có sự sắp xếp lại, thải loại nhưng đồng tiền “dỏm”. Đặc biệt là sự tham gia của Chính phủ và các tổ chức uy tín vào thị trường này phần nào sẽ củng cố lòng tin của nhà đầu tư và tạo nên một “sân chơi” chuyên nghiệp, có sức hấp dẫn lớn hơn.
Chẳng hạn, trong tháng 12, CME và CBOE - hai trong số các sàn giao dịch lớn và lâu đời nhất trên thế giới đã cho ra mắt các hợp đồng tương lai liên quan đến Bitcoin. Thêm vào đó, Cantor Fitzgerald và Nasdaq cũng đang lên kế hoạch cho các sản phẩm phái sinh của mình.