Dow Jones có lúc giảm tới hơn 300 điểm trong phiên 15/10 - Ảnh: Reuters

Dow Jones có lúc giảm tới hơn 300 điểm trong phiên 15/10 - Ảnh: Reuters

Tiền đang được rút dần khỏi chứng khoán

(ĐTCK) Lo ngại về cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng nên giới đầu tư chứng khoán toàn cầu thi nhau bán tháo để tìm đến các kênh đầu tư an toàn hơn.

Theo dữ liệu vừa công bố, doanh số bán lẻ và giá cả sản xuất của Mỹ trong tháng 9 giảm, một tín hiệu xấu của nền kinh tế lớn nhất thế giới và như thêm mối lo ngại của giới đầu tư về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, FED New York cũng công bố chỉ số điều kiện kinh doanh của bang này trong tháng 10 giảm xuống mức 6,17 so với mức 27,54 của tháng 9, đánh dấu tốc độ sản xuất yếu nhất của bang New York từ tháng 4.

Bước vào phiên giao dịch thứ Tư, lực bán tháo tiếp tục xuất hiện mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ, kéo các chỉ số giảm sâu, S&P 500 có lúc giảm hơn 3%. Tuy nhiên, ngay khi những thông tin kinh tế kém khả quan được công bố, đà bán tháo đã được chặn lại, tránh cho phố Wall thoát khỏi phiên thảm họa.

Với dữ liệu yếu kém của kinh tế Mỹ ở trên, nhiều nhà đầu tư cho rằng, ý định về kế hoạch tăng lãi suất của FED sẽ bị dập tắt, nên đã hạn chế bán ra, trong  khi bên mua cũng tích cực hơn, giúp các chỉ số chính của phố Wall hồi trở lại, thậm chí Nasdaq suýt chút nữa có được sắc xanh.

Kết thúc phiên 15/10, chỉ số Dow Jones giảm 173,45 điểm (-1,06%), xuống 16.141,74 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,21 điểm (-0,81%), xuống 1.862,49 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 11,85 điểm (-0,28%), xuống 4.215,32 điểm.

Với phiên giảm điểm này, S&P 500 đã mất tới 7,4% so với mức đỉnh thiết lập hồi 18/9 và giảm 0,8% trong năm nay.

Tương tự, nỗi lo về cuộc suy thoái kinh tế, nên giới đầu tư châu Âu tìm cách thoát thân khỏi thị trường chứng khoán khiến các thị trường của khu vực này giảm tới trên dưới 3%, mức giảm lớn nhất của ngày trong gần 3 năm.

Kết thúc phiên 15/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 181,04 điểm (-2,83%), xuống 6.211,64 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 216,86 điểm (-2,47%), xuống 8.571,95 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 148,53 điểm (-3,63%), xuống 3.939,72 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, các chỉ số đều có sự hồi phục trở lại sau phiên giảm mạnh trước đó. Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch sáng nay (16/10), ảnh hưởng thông tin từ Mỹ và việc đồng yên tiếp tục tăng mạnh so với đồng USD khiến chứng khoán Nhật Bản lại lao dốc trở lại, xuống mức thấp nhất 4 tháng rưỡi.

Kết thúc phiên 15/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 137,01 điểm (+0,92%), lên 15.073,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 92,08 điểm (+0,40%), lên 23.140,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 14,19 điểm (+0,60), lên 2.373,67 điểm.

Những lo ngại về cuộc suy thoái kinh tế khiến giới đầu tư rút tiền khỏi chứng khoán và tìm đến các kênh đầu tư an toàn khác như trái phiếu chính phủ Mỹ, vàng. Điều này hỗ trợ cho giá vàng đang có những ngày tăng vững chắc. Sau phiên điều chỉnh nhẹ do áp lực chốt lời kỹ thuật, giá vàng đã tăng vọt trở lại trong phiên thứ Tư (15/10), lên mức cao nhất 1 tháng trước khi hạ nhiệt nhẹ cuối phiên.

Kết thúc phiên 15/10, giá vàng giao ngay tăng 8,9 USD (+0,72%), lên 1.241,10 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 10,5 USD (+0,85%), lên 1.244,8 USD/ounce.

Sau những dữ liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ và khả năng FED không còn tính tới chuyện tăng lãi suất trong năm 2015,  đồng USD giảm giá mạnh xuống mức thấp như thời kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cách đây 7 năm. Việc đồng bạc xanh giảm mạnh hỗ trợ cho các loại hàng hóa được định giá vàng đồng tiền này. Tuy nhiên, với việc nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng, khiến nhu cầu dầu sụt giảm mạnh, trong khi các nước xuất khẩu lớn của Trung Đông vẫn không có ý định cắt giảm sản lượng khiến giá dầu tiếp tục sụt giảm. Trong khi dầu thô thị trường Mỹ chỉ còn giảm nhẹ 6 cent, thì giá dầu thô Brent tiếp tục giảm mạnh 1,5% xuống sát dưới mức 84 USD/thùng.

Kết thúc phiên 15/10, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 0,06 USD (-0,07%), xuống 81,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,26 USD (-1,50%), xuống 83,78 USD/thùng.

Tin bài liên quan