Tiềm năng thị trường trái phiếu
Tỷ lệ đầu tư của Việt Nam so với GDP tăng từ mức 2,9% vào năm 1990 lên 41% vào năm 2006 và 45,6% vào năm 2007. Trong khi đó, tỷ lệ tiết kiệm trong nước so với GDP tăng từ mức 2,9% năm 1990 lên 35,8% năm 2007, tương đương mức tiết kiệm trong nước của Thái Lan, cao hơn Philippines và Indonesia, nhưng thấp hơn so với mức 40% của Malaysia hay Trung Quốc. Phần thiếu hụt giữa tỷ lệ tiết kiệm trong nước và tỷ lệ đầu tư sẽ được tài trợ bởi các nguồn vốn từ bên ngoài (ODA, FDI, vay thương mại…) với giả định rằng, toàn bộ nguồn tiết kiệm trong nước đã được huy động đầy đủ.
Để có thể huy động tối đa nguồn lực tiết kiệm của toàn xã hội, phục vụ mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế, Chính phủ cần xây dựng chiến lược và kế hoạch huy động nguồn lực nội địa này.
Xét theo tỷ trọng, tỷ lệ tiết kiệm trên GDP của Chính phủ chỉ khoảng 2-3% GDP, do ngân sách nhà nước liên tục thâm hụt xấp xỉ 5% GDP. Trong khi đó, tỷ lệ đầu tư của Chính phủ so với GDP tăng nhanh, hiện đạt 12% GDP, chứng tỏ Chính phủ dựa chủ yếu vào nguồn vay nợ để tài trợ hoạt động đầu tư (vốn ODA chiếm khoảng 33,4% tổng đầu tư khu vực nhà nước). Mặc dù được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá nợ nước ngoài của Việt Nam nằm trong giới hạn an toàn, nhưng về xu hướng, nguồn vốn này đang tăng nhanh. Bên cạnh đó, từ năm 2010 trở đi, các nguồn vốn ODA có điều kiện ưu đãi sẽ giảm đi, thay vào đó là các điều kiện vay gần với các khoản vay thương mại. Do đó, Chính phủ Việt Nam sẽ phải hướng tới các nguồn tài trợ mới với quy mô lớn, trong đó phải kể đến kênh vay nợ thông qua phát hành trái phiếu.
Trong khi đó, dự báo tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam trong vòng 10 năm tới tương đối cao. Nhu cầu vốn đầu tư cho nền kinh tế để đáp ứng tốc độ tăng trưởng này cần được duy trì ít nhất tương đương với giai đoạn trước, vào khoảng 40% GDP (xem bảng).
Tính tới cuối năm 2008, tổng dư nợ trái phiếu của Việt Nam tương đương 14,2% GDP, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực luôn ở mức cao, như Singapore 66,8%, Thái Lan 52,4%, Philippines 34,2%... Trong đó, trái phiếu chính phủ (TPCP) chiếm tỷ trọng chủ yếu, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chiếm tỷ trọng khá nhỏ, năm 2008 chỉ là 5,84% (ở Malayssia, Singapore, tỷ trọng này khoảng 70 - 80%). Như vậy, xét về nhu cầu và xu hướng, thị trường trái phiếu Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Định hướng phát triển thị trường TP
Bộ Tài chính đã xây dựng và đưa vào vận hành thị trường TPCP chuyên biệt tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) vào ngày 24/9/2009, qua đó từng bước gắn kết giữa thị trường phát hành với thị trường giao dịch trên cơ sở tập trung hóa hoạt động phát hành và giao dịch TPCP về một đầu mối tại HNX. Để thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu, cần tập trung vào một số định hướng chính sau:
- Phát triển hệ thống NĐT tổ chức. Bên cạnh NHTM, công ty bảo hiểm, NĐT trong tương lai trên thị trường trái phiếu cần bao gồm các quỹ thị trường tiền tệ, quỹ đầu tư trái phiếu, đặc biệt là quỹ hưu trí. Các nguồn vốn huy động của Chính phủ hiện tại đều tập trung vào kỳ hạn ngắn, chủ yếu dưới 10 năm. Nguồn vốn dài hạn duy nhất cho đầu tư dài hạn các cơ sở hạ tầng trong nước là ODA. Để có thể huy động tối đa nguồn vốn tiết kiệm trong nước (35% GDP hàng năm) và biến chúng thành nguồn vốn vay dài hạn phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, cần phải hình thành các định chế tài chính có nhu cầu đầu tư dài hạn như các quỹ hưu trí bên cạnh các công ty bảo hiểm nhân thọ. Với các định chế này, những khoản tiết kiệm và hưu trí hàng năm sẽ biến thành nguồn vốn đầu tư có thời hạn 20 - 25 năm, thậm chí lâu hơn. Đây chính là việc xây dựng "cầu đầu tư" dài hạn và là cơ sở để phát hành các TPCP có kỳ hạn dài hơn.
- Xây dựng hệ thống nhà tạo lập thị trường (primary dealers) nhằm tăng cường tính thanh khoản. Tại đa số quốc gia, nhà tạo lập thị trường trên thị trường TPCP chủ yếu là NHTM, do năng lực tài chính tốt và nhu cầu quản lý thanh khoản thường xuyên. Các nhà tạo lập thị trường sẽ là "chất xúc tác" tăng cường tính thanh khoản cho thị trường TPCP, qua đó thúc đẩy thị trường TPDN phát triển. Một điểm thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống nhà tạo lập thị trường này là các NHTM đủ tiêu chuẩn được phép trở thành thành viên giao dịch trực tiếp TPCP trên hệ thống giao dịch chuyên biệt tại HNX. Như vậy, việc xây dựng hệ thống nhà tạo lập thị trường đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ và phân định trách nhiệm rõ ràng giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.
- Thành lập tổ chức định mức tín nhiệm trong nước. Xếp hạng tín nhiệm là một căn cứ quan trọng giúp NĐT, công ty phát hành đánh giá mức rủi ro cho trái phiếu, giải quyết vấn đề thông tin bất cân xứng trên thị trường. Trước mắt, cần có những quy định, cơ chế cụ thể cho phép hình thành tổ chức định mức tín nhiệm, đảm bảo tính độc lập, chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động. Do chưa có kinh nghiệm và kỹ năng định mức tín nhiệm, Việt Nam cần hợp tác với các tổ chức định mức tín nhiệm chuyên nghiệp trên thế giới.
- Đa đạng hóa công cụ đầu tư. Hiện tại, các công cụ giao dịch trên thị trường trái phiếu vẫn là những công cụ rất cơ bản: các loại TPCP, trái phiếu chính quyền địa phương và TPDN. Trong khi đó, các NĐT tổ chức, các DN sử dụng vốn vay ngân hàng đang có nhu cầu phòng vệ rủi ro lãi suất bằng việc sử dụng công cụ phái sinh như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn có công cụ gốc là trái phiếu và các sản phẩm cơ cấu. Bên cạnh đó, chỉ khi đa dạng hóa được sản phẩm đầu tư thì mới có thể thu hút được NĐT chuyên nghiệp tham gia thị trường. Chính vì vậy, thị trường công cụ phái sinh cho trái phiếu cần được chú trọng phát triển.
Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2009 - 2018
Năm
2008
2009
2010
2011
2012
2013
GDP danh nghĩa (Ngàn tỷ đồng)
1.478,7
1.711,4
1.899,3
2.111,9
2.362,4
2.652,3
Tăng trưởng GDP (%)
2,9
5,0
7,0
7,7
7,9
GDP bq đầu người (USD)
975
1.024
1.065
1.229
1.432
1.587
Năm
2014
2015
2016
2017
2018
GDP danh nghĩa (Ngàn tỷ đồng)
2.722,5
2.864,7
3.001,4
3.129,3
3.244,9
Tăng trưởng GDP (%)
8,0
8,0
8,0
8,0
8,0
GDP bq đầu người (USD)
1.753
1.937
2.141
2.365
2.614